Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới để hoàn thành "sứ mệnh"

Minh Ngọc| 09/12/2015 04:46

(HNM) - Nếu như thư viện (TV) công cộng phục vụ mọi đối tượng bạn đọc thì TV các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) chủ yếu phục vụ bạn đọc là giảng viên, sinh viên, được phân theo những nhóm ngành, nghề nhất định nên chất lượng hoạt động, phục vụ đòi hỏi phải có sự chuyên sâu và hiện đại.

Xu hướng giảm số lượng bạn đọc

Tại hội thảo về TV các trường ĐH, CĐ vừa diễn ra, Vụ Thư viện (Bộ VH,TT&DL) công bố con số khiến ai cũng phải suy ngẫm. Đó là nguồn kinh phí dành cho TV các trường ĐH, CĐ chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động khi 80% số TV được khảo sát cho biết nguồn kinh phí hằng năm mà TV được cấp mới chỉ đáp ứng được 50-70% nhu cầu, thậm chí là không thể đáp ứng được nhu cầu. Dịch vụ TV còn nghèo khi có tới hơn 90% TV trường ĐH, CĐ vẫn sử dụng dịch vụ đọc tại chỗ hay cho mượn về nhà. Dịch vụ đọc trực tuyến, tư vấn, cung cấp thông tin, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên điện tử, hướng dẫn và hỗ trợ trực tuyến, đào tạo, hướng dẫn người sử dụng… phổ biến từ lâu ở các TV trường học trên thế giới vẫn chưa được khai thác triệt để ở Việt Nam. Sản phẩm TV hiện đại còn thiếu và yếu khi 72% số TV các trường ĐH, CĐ chưa có website, cổng thông tin điện tử; số lượng máy tính mới đạt 83 máy/TV ĐH, 21 máy/TV CĐ… Sự chậm đổi mới của hệ thống TV các trường ĐH, CĐ là một trong những nguyên nhân khiến mô hình TV này chưa hấp dẫn bạn đọc.

Sinh viên nghiên cứu tài liệu tại thư viện trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: Hải Anh



Theo thống kê, trung bình mỗi TV trường ĐH, CĐ phục vụ 276 lượt bạn đọc/ngày, hơn 155 nghìn lượt bạn đọc/năm trong khi mỗi trường có hàng nghìn sinh viên theo học. Minh chứng cho tình trạng này, bà Hồ Thị Ngọc Hân (Trung tâm Học liệu Đại học Huế) cho biết, trong 5 năm trở lại đây, số bạn đọc đến và giao dịch tại Trung tâm Học liệu Đại học Huế giảm đáng kể. Nếu như năm 2005, số người đến trung tâm đạt gần 600 nghìn lượt thì đến năm 2010, con số này giảm xuống còn 300 nghìn lượt, đến năm 2015 chỉ còn khoảng 4-5 vạn lượt người. Tương tự, ông Lê Văn Viết (TV Quốc gia) cho hay: Đối tượng bạn đọc là giảng viên, sinh viên chiếm từ 62-70% tổng số bạn đọc đến TV Quốc gia. Tuy nhiên, năm 2015, số bạn đọc là sinh viên có xu hướng giảm.

Ở góc độ khác, bà Nguyễn Thị Hồng Trang (Phó Giám đốc Trung tâm TV Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) phân tích: Đối tượng phục vụ chính của TV trường học là sinh viên, nhưng rất nhiều sinh viên hiện nay có tư tưởng học chỉ cốt để hoàn thành nhiệm vụ và có thể tốt nghiệp nên rất lười nghiên cứu để mở mang kiến thức, trau dồi đạo đức nghề nghiệp, lối sống. Hơn nữa, việc trả bài, thi hết học phần của sinh viên chủ yếu tập trung vào một vài giáo trình do giáo viên lựa chọn giảng dạy khiến cho sinh viên không cần nghiên cứu sâu, rộng vấn đề đang tiếp cận vẫn có thể đạt kết quả học tập cao. Đối với đội ngũ giảng viên, một mặt do TV không đáp ứng được nhu cầu tài liệu chuyên sâu của họ, mặt khác do các trường mở thêm nhiều hình thức đào tạo khiến họ dành thời gian cho công tác giảng dạy quá nhiều, cho nghiên cứu ít đi, tất yếu họ sẽ ít đến TV hơn.

Chủ động tìm kiếm bạn đọc

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của TV trường học, TV một số trường ĐH, CĐ đã tìm cách vượt qua khó khăn, chủ động tìm kiếm bạn đọc.

Song song với dịch vụ mượn, trả truyền thống, những năm gần đây, TV ĐH An Giang đã phát triển thêm nhiều dịch vụ hiện đại giúp bạn đọc có thể tìm kiếm thông tin theo yêu cầu, xây dựng trang báo sinh viên; phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Indonesia, Ấn Độ xây dựng góc văn hóa Indonesia và Ấn Độ tại TV nhằm tạo ra không gian tương tác, tăng sự hấp dẫn. "Nhờ những dịch vụ hiện đại này, TV Đại học An Giang hiện phục vụ khoảng 17 nghìn lượt bạn đọc/tháng, cao hơn nhiều so với thời gian trước", bà Nguyễn Thị Bích Châu, Giám đốc TV ĐH An Giang chia sẻ. Ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ như cách TV ĐH An Giang đã làm, một số TV các trường ĐH, CĐ phía Nam còn liên kết với nhau trong quá trình hoạt động. Hiện Liên chi hội TV ĐH phía Nam (Vilasal) đã được thành lập, gồm 79 thành viên, các TV thành viên có trách nhiệm chia sẻ tài liệu với nhau và hình thành những nhóm liên kết. Ví dụ, Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, ĐH Mở, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), CĐ Giao thông Vận tải III (TP HCM)… có các nhóm ngành đào tạo tương đồng thì TV các trường ĐH, CĐ này sẽ liên kết với nhau thành một nhóm giúp bạn đọc có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn tài liệu chuyên sâu. "Trên thực tế không TV nào có thể bổ sung tất cả các tài liệu được xuất bản trên thế giới hằng ngày, hằng giờ. Sự liên kết giữa các TV đã phần nào giúp các TV đáp ứng được nhu cầu thông tin vừa đa dạng, vừa chuyên sâu của bạn đọc", bà Dương Thúy Hương (TV ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) khẳng định.

Không nằm ngoài mục đích nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút bạn đọc, tháng 8 vừa qua, TV Tạ Quang Bửu (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) tiên phong trở thành thành viên của Mạng lưới TV toàn cầu (OCLC). Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy (TV Tạ Quang Bửu), việc trở thành thành viên của OCLC sẽ giúp TV Tạ Quang Bửu từng bước tiêu chuẩn hóa và quốc tế hóa các quy trình nghiệp vụ; sẽ kết nối với Mạng TV toàn cầu, tham gia dịch vụ mượn liên TV toàn cầu… Đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ sự đổi mới mang tính đột phá của TV Tạ Quang Bửu chính là bạn đọc.

Từ những dẫn chứng cụ thể nói trên có thể khẳng định, chỉ có đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, TV mới thực hiện được "sứ mệnh" đáp ứng nhu cầu thông tin, tài liệu của cán bộ, giảng viên, sinh viên các nhà trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới để hoàn thành "sứ mệnh"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.