(HNM) - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2020 có nhiều điểm mới, trong đó xác định viên chức tuyển dụng mới sẽ không còn được áp dụng “biên chế suốt đời”. Việc sử dụng lao động theo hình thức ký hợp đồng cũng đòi hỏi có sự đổi mới trong công tác sát hạch, nhất là cần gắn chặt với đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt và phải thực hiện công tâm, khách quan.
Không còn “biên chế suốt đời”
Gần một tháng kể từ ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực (từ ngày 1-7-2020), chị Nguyễn Thu Hiền, nhân viên Bệnh viện Phổi Hà Nội vẫn làm công việc như trước đây. Tuy nhiên, chị luôn cố gắng để hoàn thành tốt nhất có thể mọi nhiệm vụ được giao vì không muốn bị đánh giá là ỷ lại vì có “biên chế suốt đời”. Trong khi đó, chị Đỗ Thu Lê (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) chuẩn bị tốt nghiệp Trường Đại học Nội vụ Hà Nội mong muốn được tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước của thành phố nên không ngừng phấn đấu, trau dồi kỹ năng khi có cơ hội…
Đó là những tác động ban đầu dễ nhận thấy từ quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực. Theo đó, chỉ còn 3 trường hợp viên chức có “biên chế suốt đời”: Viên chức được tuyển dụng trước ngày 1-7-2020; cán bộ, công chức chuyển thành viên chức; người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Tại Hà Nội, sau sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, số biên chế công chức, viên chức của thành phố hiện ít hơn so với chỉ tiêu được phê duyệt. Tại Báo cáo số 1713/UBND-NC ngày 8-5-2020 của UBND thành phố Hà Nội gửi Bộ Nội vụ về “Kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy; quản lý, sử dụng biên chế công chức, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập” cho thấy, số viên chức là 108.902 người, chưa sử dụng 13.434 biên chế. Như vậy, số người cần tuyển dụng thời gian tới khá lớn và sẽ thực hiện theo sự quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, chính sách bỏ “viên chức suốt đời”, thay đổi từ cơ chế hợp đồng không xác định thời hạn sang hợp đồng xác định thời hạn là cách khuyến khích người lao động làm việc hiệu quả, giữ chân được người tài; là cơ hội để đưa ra khỏi bộ máy những người yếu kém, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động của khối sự nghiệp công lập.
Còn theo Phó Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ) Nguyễn Tư Long, chính sách bỏ “viên chức suốt đời”, thay đổi từ cơ chế hợp đồng không xác định thời hạn sang hợp đồng xác định thời hạn có ưu điểm là tạo sự cạnh tranh trong mỗi đơn vị…
Công tâm, khách quan trong đánh giá cán bộ
Một nội dung mới nữa trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức là đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phải gắn với vị trí việc làm, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể.
Tại Hà Nội, việc áp dụng quy định mới này khá thuận lợi vì đến thời điểm này, nhiều cơ quan, đơn vị của thành phố đã hoàn thành xác định vị trí việc làm. Đặc biệt, sau hơn 2 năm Hà Nội thực hiện Quyết định số 3814-QĐ/TU ngày 16-5-2018 của Thành ủy về “Quy định khung tiêu chí đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội” thì việc đánh giá viên chức, người lao động tại các đơn vị sự nghiệp đã đi vào nền nếp.
Ngoài ra, theo quy định mới, từ ngày 1-7-2020, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng xác định thời hạn trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng. Như vậy, sau 5 năm, người đứng đầu đơn vị phải có đánh giá, nhận xét, để quyết định ngưng hay tiếp tục hợp đồng với viên chức. Dù luật đã quy định rõ, song không ít người tỏ ra băn khoăn, lo ngại việc đánh giá định kỳ như vậy cùng với việc bỏ “biên chế suốt đời” dễ dẫn đến việc đánh giá không công tâm, tiêu cực.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà cho biết, để bảo đảm khách quan, chính xác trong việc đánh giá đối với viên chức, tránh lạm quyền, trong nhiều cuộc thảo luận, Bộ Nội vụ đã trao đổi cụ thể như: Luật Viên chức sửa đổi đã nâng thời gian hợp đồng từ 36 tháng lên tối đa 60 tháng, đồng thời quy định rõ trường hợp còn nhu cầu về vị trí việc làm và viên chức được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ thì phải tiếp tục ký hợp đồng với viên chức đó. Trong trường hợp này không được chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức đó để tuyển người khác. “Việc sát hạch sau khi kết thúc hợp đồng làm việc không còn quá cần thiết khi đánh giá viên chức được thực hiện nghiêm túc, công khai, có tính định lượng cụ thể, được tiến hành thường xuyên theo quý, tháng trên cơ sở kế hoạch công việc chi tiết”, bà Vũ Thu Hà nói.
Từ thực tế là đơn vị đã thực hiện nghiêm túc việc đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, viên chức, lao động hợp đồng, Trưởng phòng Nội vụ huyện Phú Xuyên Lại Đỗ Quyên cho rằng, việc đánh giá hằng tháng, hằng năm chuẩn rồi thì nên coi đó là kết quả để cơ quan quản lý xem xét đối với cán bộ, viên chức. Bởi nếu cứ sau 5 năm lại tổ chức sát hạch thì không cần thiết và gây áp lực cho các cơ quan quản lý cán bộ trong việc phải tổ chức kỳ sát hạch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.