Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đòi hỏi tất yếu

Thế Phương| 05/01/2011 07:09

(HNM) - Tăng trưởng nhờ vào vốn chuyển dịch cơ cấu hay dựa trên năng suất và hiệu quả không phải vấn đề mới nhưng rất bức thiết và cần đặt ra trong năm 2011 - một năm đặc biệt - năm bản lề cho những kế hoạch của đất nước: năm đầu tiên của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015, năm đầu tiên của Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020...


Nhiều chuyên gia kinh tế đã đưa ra lời cảnh báo: Nếu không cải thiện được những điểm yếu cố hữu, kinh tế Việt Nam khó có thể đạt được mức tăng trưởng cao như những năm vừa qua. Điều này hoàn toàn có cơ sở. Bởi lẽ cơn lốc giá vàng, giá USD quét qua thị trường thời gian qua đã đẩy lạm phát năm 2010 lên tới hai con số. Lãi suất cho vay cũng liên tục tăng kéo theo sự bất ổn trong hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, các dự báo mới nhất về kinh tế thế giới năm 2011 tiếp tục cho thấy những bức tranh màu xám đầy bi quan.

Do vậy, sẽ không phải quá lời khi cho rằng: năm 2011 này, nền kinh tế Việt Nam buộc phải đứng trước những lựa chọn mang tính sống còn.

Một là tiếp tục duy trì mô hình tăng trưởng nhờ vào vốn và chuyển dịch cơ cấu, với sự dẫn dắt của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy đây là mô hình đã giúp Việt Nam thành công trong suốt 20 năm qua nhưng nếu tiếp tục phụ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài để gia tăng đầu tư nhằm tạo tăng trưởng sẽ dẫn đến sự mất cân đối vĩ mô và thậm chí có thể dẫn tới khủng hoảng.

Hai là lựa chọn mô hình tăng trưởng mới dựa trên cơ sở tái cấu trúc nền kinh tế để chuyển sang giai đoạn phát triển mới, đó là tăng trưởng dựa trên năng suất và hiệu quả. Điều này cũng có nghĩa là Việt Nam phải chấp nhận vượt lên việc khai thác những lợi thế sẵn có như lao động rẻ, nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng... để tạo dựng lợi thế cạnh tranh mới, tạo sức bật mới.

Lựa chọn mô hình nào cũng phải giải hàng loạt bài toán khó. Nếu chọn phương án mới, có thể Việt Nam sẽ phải đánh đổi giữa tốc độ và hiệu quả tăng trưởng.

Một chuyên gia kinh tế nước ngoài nhận định: Trong khi các nước ASEAN xác định tỷ lệ lạm phát khoảng 2-3% cho năm 2011, thì mục tiêu lạm phát dưới 7% của Việt Nam là khá cao. Việt Nam cần có được mức lạm phát tương đương với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, nếu như vậy, có thể Việt Nam buộc phải chấp nhận tăng trưởng thấp hơn 7%. Nhà kinh tế này khuyên chúng ta: Sự đánh đổi là cần thiết để sau đó, nền kinh tế vĩ mô ổn định, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế từ trung đến dài hạn. Bài học của năm 2010 cho thấy, vấn đề không nằm ở việc dự báo, mà là ở sự lựa chọn chính sách của Việt Nam… Lời khuyên này xuất phát từ những vấn đề thực tế của nền kinh tế nước nhà.

Còn theo một chuyên gia kinh tế Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam đang ở ngã ba, chúng ta vừa muốn đi nhanh để tránh tụt hậu, nhưng càng đi càng tụt hậu xa hơn, vì xuất phát điểm thấp và hiệu quả của nền kinh tế kém… Và hiện tại, các động thái liên quan đến vấn đề dường như vẫn đang ở trên bàn. Chính vì vậy, có thể nói, hai rào cản lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện tại là vượt qua chính mình và lựa chọn bắt đầu từ đâu.

Hai nhận nhận định nêu trên rất đáng để suy nghĩ. Tăng trưởng có thể không đạt được như dự kiến, nhưng nền kinh tế sẽ có cơ hội lấy lại sự thăng bằng là vấn đề cần đặt ra lúc này. Đã đến lúc chúng ta không thể bất chấp mọi giá cho tăng trưởng. Thổi luồng gió mới đưa con tàu kinh tế Việt Nam vượt qua sóng gió, vươn ra biển lớn chính là đòi hỏi tất yếu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đòi hỏi tất yếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.