Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đòi hỏi nỗ lực hơn nữa

Thành Tâm| 08/04/2017 07:05

(HNM) - Tội phạm mua bán người vẫn diễn biến hết sức phức tạp, là thách thức lớn đối với công tác bảo đảm an ninh trật tự. Kết quả điều tra khám phá loại tội phạm này dù đã được nâng lên nhưng so với yêu cầu, so với nỗi mất mát của nhiều gia đình, đòi hỏi lực lượng chức năng phải nỗ lực hơn nữa



Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số 


Không trừ thủ đoạn, địa bàn nào

Đến nay, gia đình và người dân ở thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa (Lào Cai), vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ cháu Vàng Thị M. (SN 2017) bị 4 đối tượng chiếm đoạt với mục đích đem bán, xảy ra đêm 1-4. Tối đó, như thường lệ, chị gái của cháu M. là Vàng Thị C. cùng người thân bán hàng rong tại thị trấn Sa Pa. Trong lúc C. đang cõng em thì có 4 đối tượng đến cho tiền và rủ em ra bờ hồ Sa Pa chụp ảnh... Khi C. vừa đưa em gái cho hai đối tượng là nam thanh niên thì chúng bất ngờ lên xe máy bỏ chạy. Hai đối tượng còn lại lợi dụng lúc nhốn nháo, bỏ trốn. Sau 3 ngày lần theo dấu vết tội phạm, đến sáng 4-4, Công an tỉnh Lào Cai đã giải cứu an toàn cháu bé, bàn giao cho gia đình. Bốn đối tượng đã bị bắt giữ gồm: Sùng Thị Vang; Giàng Seo Hảng (cùng ở xã Tả Ngải Chồ, Mường Khương); Tẩn A Sang (trú tại xã Sử Pán, Sa Pa); Ly Seo Diu (trú tại xã Mường Khương, huyện Mường Khương, Lào Cai) và Giàng A Dơ (SN 1994, trú tại xã Sơn Bình, huyện Bình Lư, tỉnh Lai Châu). Tại cơ quan công an, chúng khai nhận, vì cần tiền tiêu xài, đã bàn nhau lừa bắt trẻ con đưa sang Trung Quốc bán lấy tiền.

Theo Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, tính chất, quy mô các vụ án và thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ, hoạt động xuyên quốc gia và quốc tế. Dù năm 2016, tình hình tội phạm mua bán người đã giảm 6% số vụ, nhưng số nạn nhân lại tăng 12%. Con số này phản ánh, quy mô tội phạm đang lớn dần với việc mua bán nhiều nạn nhân hơn.

Đây là một vụ án mà hành vi phạm tội hết sức trắng trợn và liều lĩnh. Nhìn rộng hơn, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam vẫn là điểm nóng của tình trạng mua bán người và di cư bất hợp pháp… Còn theo cơ quan công an, từ thành thị tới nông thôn, đồng bằng hay vùng cao, biên giới đều có thể xuất hiện hoạt động của tội phạm mua bán người. Nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai, mua bán nội tạng… Đáng lo ngại, có gần 90% số vụ án mua bán người, nạn nhân bị đưa ra nước ngoài.

Để đấu tranh với loại tội phạm này, lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng đã đưa việc phòng, chống mua bán người trở thành chuyên đề thường xuyên, đặc biệt. Trong giai đoạn 2011 - 2015, các lực lượng chức năng của Việt Nam đã phát hiện hơn 2.200 vụ với hơn 3.500 đối tượng, làm rõ 4.500 nạn nhân bị mua bán (tăng 11,6% số vụ so với giai đoạn trước). Năm 2016, các lực lượng chức năng đã điều tra khám phá 234 vụ, bắt 308 đối tượng có hành vi mua bán người. Riêng trên địa bàn Hà Nội, Thiếu tướng Đinh Văn Toản, Phó Giám đốc Công an thành phố cho biết, năm qua lực lượng chức năng đã phát hiện, điều tra khám phá 1 vụ, bắt 1 đối tượng, làm rõ 1 nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc. Công an Hà Nội còn phối hợp với lực lượng của Bộ Công an triệt phá 1 ổ nhóm gồm 3 đối tượng mua bán người.

Nâng cao cảnh giác

Qua điều tra cho thấy, thủ đoạn của tội phạm mua bán người rất tinh vi. Trước đây, tội phạm chủ yếu dùng thủ đoạn lừa gạt thì nay là cưỡng ép, bắt cóc nạn nhân. Thậm chí, để lừa đảo nạn nhân, tội phạm đặt thẳng vấn đề đưa người ra nước ngoài, hứa hẹn tìm việc làm với mức lương cao... sau đó lừa bán phụ nữ, trẻ em gái để hoạt động mại dâm; đưa người trái phép ra nước ngoài lao động thời vụ, du lịch, học tập, thăm người thân, chữa bệnh… rồi đem bán. Tội phạm cũng lợi dụng quy định về hiến ghép tạng để đưa người ra nước ngoài mua bán tạng trái phép. Thượng tá Lê Khắc Sơn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Công an Hà Nội cảnh báo thêm: Hiện nay, số lượng người ngoại tỉnh đến Thủ đô tìm việc làm rất đông. Lợi dụng mạng xã hội, tội phạm có thể kết nối, dụ dỗ, lừa đảo, khống chế để thực hiện hành vi mua bán người…

Điều thương tâm nhất trong các vụ án mua bán người, thiệt hại không phải là tài sản mà là con người. Chính vì thế, những vụ việc này đã để lại hậu quả hết sức đau lòng cũng như những hệ lụy rất nguy hiểm cho từng gia đình và xã hội. Lợi nhuận đối với tội phạm từ hoạt động đáng lên án này là rất lớn. Vì vậy, cùng với công tác đấu tranh của lực lượng chức năng, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân biết những thủ đoạn của tội phạm này để nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa cho bản thân và người thân của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đòi hỏi nỗ lực hơn nữa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.