Kinh tế

“Dốc sức” lo cấp điện mùa khô

Hồng Anh 01/03/2024 - 06:45

Việc bảo đảm cung ứng điện trong mùa khô, dự tính từ tháng 3 tới tháng 7 năm nay, được nhận định “cam go và thách thức”, nhất là ở miền Bắc do không có nguồn mới bổ sung.

Ngành Điện lực đang “dốc sức” triển khai nhiều giải pháp cả trước mắt và lâu dài để khắc phục khó khăn, bảo đảm cấp điện cho sinh hoạt, sản xuất mùa khô.

evn.jpg
Thi công Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối. Ảnh: Đức Dũng

Áp lực thiếu điện

Theo tính toán từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), dự kiến mức tăng trưởng phụ tải đỉnh năm 2024 so với năm 2023 là từ 8% đến 12%. Tăng trưởng phụ tải miền Bắc dự báo lên đến 15%, cao nhất cả nước, trong khi các nguồn điện không được bổ sung nhiều đang tạo ra thách thức lớn.

Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) dự tính, năm 2024, phụ tải nhu cầu tiêu thụ điện có thể đạt khoảng 17.200-18.000MW, tương ứng với tăng trưởng 8,7-13,7% so với năm 2023. Trong khi đó, năm 2024, miền Bắc không có nguồn điện lớn nào được bổ sung, ngoài 152,8MW thủy điện nhỏ được hoàn thiện trong quý I và II tới.

“Giai đoạn 2024-2025, công tác cấp điện cho miền Bắc còn gặp rất nhiều khó khăn khi nguồn điện được bổ sung nội miền không đáng kể. Trong khi đó, phụ tải miền Bắc được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh trong thời gian tới”, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNNPC Đỗ Nguyệt Ánh nêu.

Trên phạm vi toàn quốc, tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, nhu cầu sử dụng điện bình quân tăng 9% mỗi năm, tương ứng tăng 4.000-4.500MW. Trong khi đó, nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành năm 2024 chỉ đạt khoảng 1.950MW, nhưng chỉ tập trung ở khu vực miền Nam và miền Trung. Như vậy, khó tránh khỏi thiếu điện trong mùa khô sắp tới tại miền Bắc.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình cung ứng điện năm 2024, Bộ Công Thương đã đưa ra 2 kịch bản cụ thể.

Với kịch bản 1, nước về các hồ thủy điện ở mức bình thường (tần suất nước về 65%), hệ thống điện quốc gia về cơ bản đáp ứng cung ứng điện. Tuy nhiên, do công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp nên vẫn phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về công suất đỉnh tại một số thời điểm của các ngày nắng nóng.

Với kịch bản 2, khi lưu lượng nước về kém như đã diễn ra trong năm 2023, việc bảo đảm cung cấp điện đặc biệt đối với khu vực miền Bắc sẽ gặp khó khăn hơn, có thể xuất hiện tình trạng thiếu công suất (từ 420-1.770MW) trong một số giờ cao điểm tháng 6, tháng 7.

Đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm

Tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 14-2-2024 về việc bảo đảm cung ứng điện, cung cấp than, khí cho sản xuất điện trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu “đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành sớm nhất có thể đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối, phấn đấu hoàn thành và đóng điện trong tháng 6 năm 2024”.

Để đáp ứng tiến độ trên, Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn đã chỉ đạo các nhà thầu thi công xây lắp cử lãnh đạo có trách nhiệm thường xuyên làm việc trên tuyến đường dây để tổ chức điều hành công trường, huy động tất cả nguồn lực làm việc 3 ca 4 kíp, thi công cả các ngày nghỉ, ngày lễ.

“Nếu đường dây 500kV mạch 3 đưa điện từ miền Trung ra miền Bắc kịp hoàn tất vào tháng 6 thì từ tháng 7 trở đi, áp lực thiếu điện cho khu vực miền Bắc sẽ được giải quyết. Lúc đó, ngành Điện có thể thở phào nhẹ nhõm”, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoạch (Hiệp hội Năng lượng Việt Nam) đánh giá.

Trong khi chờ kỳ vọng được “bù đắp” thiếu hụt điện năng từ đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối, EVNNPC đang đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm đóng điện trước mùa hè năm 2024 và đàm phán mua thêm điện từ Trung Quốc, Lào. Tổng công ty cũng đã chuẩn bị kế hoạch vận hành trong trường hợp thiếu nguồn và điều chỉnh phụ tải điện năm 2024.

Trước tính cấp thiết của việc bảo đảm cung ứng điện trong mùa khô năm 2024, Bộ Công Thương đã yêu cầu, EVN trước ngày 15-3 phải rà soát, cập nhật, báo cáo về kế hoạch bảo đảm điện cho hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là ở miền Bắc trong các tháng cao điểm mùa khô...

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Long (Hội Điện lực Việt Nam):
Không thể bàn mãi giải pháp “ăn đong”

ykien-tran-dinh-long.jpg

Các lý do dẫn đến nguy cơ thiếu điện không mới nhưng chúng ta vẫn bị động trong việc bảo đảm cung ứng điện ổn định, nhất là trong giai đoạn cao điểm nắng nóng. Dự báo nguồn cấp điện thiếu trong 2 năm tới đã được đưa ra từ lâu nhưng các chính sách liên quan đến phát triển nguồn điện hiện vẫn rất chậm. Ngành Điện lực không thể mãi bàn giải pháp “ăn đong” mà cần tính toán chuyện dài hơi để bảo đảm đủ điện cho sinh hoạt, sản xuất trong mọi tình huống.

Tôi kiến nghị Nhà nước nên sớm có cơ chế khuyến khích đầu tư nguồn điện tái tạo, đúng xu hướng phát triển của thế giới và chiến lược giảm phát thải xanh của nước ta, đồng thời giảm áp lực nguồn cung điện. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách về giá rõ ràng, minh bạch để kêu gọi nhiều thành phần tham gia đầu tư phát triển nguồn điện. Nguồn cung điện vẫn có thể dự báo được cho 5-10 năm sau, chính sách triển khai chậm ngày nào, thiệt hại cho nền kinh tế ngày đó, chứ không riêng gì ngành Điện lực.

Ông Nguyễn Văn Dũng (huyện Thạch Thất), chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ Dũng Tuyết:
Mong có nguồn điện ổn định phục vụ sản xuất

ykien-nguyen-van-dung.jpg

Nhiều năm trước, khi hạ tầng điện chưa đồng bộ, mùa hè nắng nóng là nỗi “ám ảnh” với các cơ sở sản xuất nội thất trong thôn, trong xã. Có thời điểm xảy ra việc trạm biến áp tự ngắt khiến hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các nhà xưởng không chủ động được sản xuất. Đơn hàng thì nhiều mà đành phải xin “khất” khách hàng về tiến độ trả vì không có điện chạy máy. May mắn là khách thông cảm nên không có chuyện hủy đơn hàng.

Những năm gần đây, hạ tầng điện được cải thiện, tình trạng mất điện đã được hạn chế. Việc cắt điện đột ngột gần như không còn.

Mùa hè năm nay đang đến gần, chúng tôi mong muốn không bị thiếu điện sản xuất. Chúng tôi cũng mong muốn công ty điện lực chủ động nâng cao hiệu suất, chất lượng điện… trong mùa cao điểm, nếu cắt giảm điện thì nên có thông báo trước để các doanh nghiệp, nhà sản xuất chủ động kế hoạch tăng ca kíp vào những khung giờ thấp điểm. Nhưng trên hết, chúng tôi vẫn mong muốn có nguồn điện ổn định phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Bà Phạm Thị Minh Hiền (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên):
Giá điện tăng, cần hạn chế tối đa cắt điện

ykien-pham-thi-minh-hien.jpg

Điện luôn là nhu cầu cấp thiết của mỗi người, mỗi gia đình nên thiếu điện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt. Trong năm qua, điện đã 2 lần tăng giá nhưng đều là các mức tăng phù hợp, không quá cao hay tăng “giật cục” ảnh hưởng lớn đến mức chi tiêu của các hộ gia đình. Tuy vậy, người dân mong muốn, giá điện thay đổi phải đi liền với tăng chất lượng phục vụ, hạn chế tối đa việc thiếu điện, cắt điện luân phiên, nhất là trong những đợt cao điểm nắng nóng mùa hè.

Để giảm chi phí sử dụng điện, gia đình tôi phải cân đối, tiết giảm sử dụng những thiết bị không cần thiết. Các thành viên trong nhà đã tìm hiểu và thực hiện những việc làm nhỏ thôi, nhưng tạo thói quen để hình thành ý thức tiết kiệm điện. Qua tuyên truyền, chúng tôi cũng được biết, tiết kiệm điện không chỉ giúp hóa đơn tiền điện của gia đình giảm đi mỗi tháng mà còn mang lại lợi ích chung, giảm tình trạng căng thẳng, thiếu điện dẫn đến cắt điện mỗi mùa hè.

Ngân Hạ ghi

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Dốc sức” lo cấp điện mùa khô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.