Câu lạc bộ (CLB) Đọc sách cùng con được thành lập ngày 6-6-2010 theo ý tưởng của TS Giáo dục Nguyễn Thụy Anh, nhằm mục đích hỗ trợ phát triển văn hóa đọc gia đình, tạo cảm xúc và duy trì thói quen đọc sách cho trẻ từ 12 tháng tuổi thông qua phương pháp đọc - kể tương tác. Báo Hànộimới giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Thụy Anh về vấn đề này.
LTS: Câu lạc bộ (CLB) Đọc sách cùng con được thành lập ngày 6-6-2010 theo ý tưởng của TS Giáo dục Nguyễn Thụy Anh, nhằm mục đích hỗ trợ phát triển văn hóa đọc gia đình, tạo cảm xúc và duy trì thói quen đọc sách cho trẻ từ 12 tháng tuổi thông qua phương pháp đọc - kể tương tác. Báo Hànộimới giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Thụy Anh về vấn đề này.
Lan tỏa cảm hứng từ "cộng đồng đọc"
Mặc dù đọc sách là một hoạt động cá nhân, hoàn toàn độc lập, nhưng trong thời đại công nghệ và văn hóa nghe nhìn hiện nay, sự cổ vũ từ cộng đồng là rất cần thiết. "Cộng đồng đọc" có thể chỉ là một gia đình (bố mẹ, con cái, anh chị em họ), là một lớp học, một nhóm bạn chơi thân hoặc một CLB như CLB Đọc sách cùng con (địa chỉ phòng 104 K7 Bách Khoa, Hai Bà Trưng, Hà Nội). Những cộng đồng đọc như thế ở chỗ chúng tôi gặp nhau sáng thứ bảy, chủ nhật hằng tuần. Các bạn nhỏ có thể đến bất kỳ lúc nào, yên tâm rằng ở đó luôn có một câu chuyện mới đang đợi mình, bất kể nắng mưa. Sự kiên nhẫn từ phía những người lớn là một "lời mời bền bỉ" - mời bọn trẻ đến với thế giới văn thơ, sách vở mà hiện nay có vẻ như "lép vế" trước thế giới phong phú, cuốn hút của công nghệ, những trò chơi, phim ảnh trên iPhone, iPad... Vâng, chìa khóa ở đây chính là từ "MỜI" chứ không ép, là câu "Nào cùng đọc..." chứ không phải "Con phải đọc...".
Tôi vẫn đùa vui với các bạn nhỏ ở CLB, nhất là những bạn chưa thích đọc: "Yên tâm đi, con có quyền không đọc!". Nhiều bạn khăng khăng giữ cái quyền không đọc đó hoặc chỉ lao vào truyện tranh, nhưng sau đó không cưỡng lại được lời mời tham gia giải một câu đố, đoán một kết thúc câu chuyện, nghĩ về một từ của nhà văn hay biểu diễn minh họa cho một đoạn văn, vừa diễn vừa cười như nắc nẻ cùng cả nhóm. Khi ấy, sức mạnh lan tỏa cảm hứng đọc từ một cộng đồng đang bắt đầu có hiệu quả.
"Gõ cửa" thế giới trẻ thơ
Có một bạn nhỏ tên là Minh, mẹ bạn hay gọi bạn là "Minh nhí". Bạn bé xíu, lọt thỏm trong "cộng đồng đọc" ở CLB, vì bạn bắt đầu sinh hoạt ở đây từ bốn tuổi rưỡi. Ba, bốn năm đều đặn đến CLB, bạn gắn bó với nó đến nỗi, cứ sáng thứ bảy, chủ nhật là bật dậy ăn sáng, mặc quần áo rất nhanh để đến CLB. CLB chưa mở cửa đã đứng ở ngoài chờ đợi và âu yếm gọi là "CLB của con!". Khi nghe mẹ bạn kể lại, tôi đã rất xúc động. Trẻ con thường xác lập sở hữu những gì thân thiết với chúng. Và để trở thành "của con" trong tâm trí bé, hẳn cộng đồng đọc sách nhỏ này đã phải có một sức lôi cuốn nhất định đối với bé.
Những thành viên CLB như Minh, lớn lên cùng sự trưởng thành của chính CLB, thì có nhiều. Tôi vẫn thường nhớ về các bạn nhỏ ấy, mỗi bạn một kiểu thể hiện cảm xúc. Bạn thì rụt rè, khi mới đến còn đứng ngoài cả tiếng mới vào. Bạn thì hiếu động, hay sốt ruột, luôn giơ tay và phụng phịu khi cô giáo chưa kịp hỏi tới. Bạn thì hay hỏi, bạn thì hay cười, bạn hay đùa, bạn lại hay nghĩ ngợi... Mỗi đứa trẻ một thế giới. Và thật vui mừng khi chúng ta có thể gõ cửa thế giới ấy bằng những cuốn sách, những câu chuyện, bài thơ.
Có nhiều cách "gõ cửa". Tôi nghĩ, CLB Đọc sách cùng con cũng sẽ luôn có nhiều hình thức mới để mời bạn nhỏ đến với sách, để cung cấp và hướng dẫn bạn kỹ năng đọc, để việc đọc ban đầu là một cảm hứng nhận được từ cộng đồng đọc nhỏ - dần trở thành hoạt động cá nhân yêu thích và tự nguyện. Thói quen đọc sẽ ở lại với bạn nhỏ suốt cuộc đời phía trước.
Tôi viết những dòng này một ngày trước khi diễn ra Ngày Thơ Việt Nam 2017. Năm nay, với tư cách là đơn vị thường trực tại Không gian văn học thiếu nhi (sân Thái Học), CLB bật mí cho khách xem hội thơ biết những gì các thầy cô giáo và cộng tác viên CLB vẫn làm để lôi cuốn các em nhỏ đến với thế giới sách vở, thơ ca. Hết hội, chúng ta lại trở về góc bé nhỏ của mình, lại có một cách riêng để sống, chia sẻ, yêu thương. Và đọc sách cùng bọn trẻ mỗi ngày cũng là một cách vậy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.