Theo dõi Báo Hànộimới trên

Độc đáo xứ Đoài

Minh Ngọc| 30/03/2011 06:54

(HNM) - Ngày nay, nhân dân ở nhiều nơi tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công lao, tài đức, khí phách của Hai Bà Trưng với các nghi lễ khá tương đồng. Tuy nhiên, lễ hội đền Hai Bà Trưng ở xã Hát Môn, Phúc Thọ (Hà Nội) vào ngày hóa của Hai Bà (6-3 âm lịch) lại có những nét riêng, hết sức độc đáo.

Thánh tích độc đáo

Sử sách ghi lại rằng, mùa xuân năm Canh Tý (năm 40 sau Công nguyên) tại cửa sông Hát (đoạn sông Đáy qua địa bàn huyện Phúc Thọ), Trưng Trắc cùng em gái là Trưng Nhị phát động khởi nghĩa nhằm đánh đuổi giặc Đông Hán. Tại đây, Hai Bà đã lập đàn và tuyên đọc lời thề xuất quân: "Một xin rửa sạch quốc thù. Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng…".

Sông Hát cũng là nơi Hai Bà gieo mình tự vẫn để bảo toàn khí tiết vào ngày 6-3 năm Quý Mão (năm 43 sau Công nguyên). Theo cuốn "Lễ hội cổ truyền Hà Tây" (do Sở Văn hóa - Thông tin Hà Tây xuất bản năm 1999) thì trước khi tuẫn tiết, Hai Bà đã ăn hai đĩa bánh trôi và hai quả muỗm do bà hàng nước cạnh sông Hát dâng mời, bởi vậy bên đền thờ Hai Bà người ta còn lập đền thờ bà bán nước dưới một gốc đa cổ thụ. Hướng hai cây muỗm - mọc lên từ hai hạt muỗm của Hai Bà - được chọn là hướng đền. Còn truyền thuyết vùng Hà Nội kể: Sau khi Hai Bà mất, linh khí kết thành tượng đá, theo dòng nước trôi xuôi, mãi đến thời Lý mới đến vùng Thăng Long. Một đêm đầu tháng Hai âm lịch, hai pho tượng tỏa sáng trên dòng sông Nhị trước bãi Đồng Nhân, dân làng lấy vải đỏ làm lễ buộc tượng đón các bà vào. Vì thế, đền thờ Hai Bà Trưng ở Hát Môn được coi là nơi thánh tích, đền thờ Hai Bà Trưng ở phố Đồng Nhân (quận Hai Bà Trưng) được coi là nơi hiển tích, còn đền Hai Bà Trưng ở Mê Linh là nơi Hai Bà sinh ra và đóng đô.

Đền thờ Hai Bà Trưng tại Hát Môn (Phúc Thọ).

Đền Hai Bà Trưng ở Hát Môn rộng tới hơn 3ha, tọa lạc trên khu đất cổ có thế long chầu hổ phục. Theo sách "Việt điện u linh" và "Lĩnh Nam chích quái" thì đền được xây dựng sau khi Hai Bà Trưng hóa thân vào cõi bất diệt, do đó đây là ngôi đền cổ nhất trong hệ thống đền thờ Hai Bà. Qua nhiều lần trùng tu, hiện nay đền gồm các hạng mục: Quán Tiên, cổng tứ trụ, nghi môn, đền chính… Trong đền có nhiều đồ thờ quý giá.

Đại lễ dâng bánh trôi

Gắn với thánh tích, Lễ hội đền Hai Bà Trưng ở Hát Môn có những nét khác biệt so với nơi khác. Mọi thứ trong đền thờ đều đi đôi: Hai hương án, hai long ngai, hai kiệu rước, hai lư hương và khi tiến hành đại lễ thì có hai chủ lễ, hai người đọc chúc văn…

Cũng từ tích Hai Bà ăn bánh trôi trước khi tuẫn tiết, Lễ hội Hai Bà Trưng trong ngày 6-3 âm lịch còn có đại lễ dâng bánh trôi. Ông Nguyễn Quốc Thắng, Chủ tịch UBND xã Hát Môn cho biết: Theo phong tục, hằng năm bô lão trong làng chọn nhà của một gia đình hòa thuận, đủ đầy làm nhà chứa lễ để các cụ cao niên đến làm bánh trôi, từ trưa ngày 5 đến rạng sáng ngày 6-3. Gạo làm bánh phải là nếp cái hoa vàng, thơm ngon, nước làm bánh được lấy từ giếng thiêng trong làng (gọi là nước chí thành). Bánh được làm hết sức công phu, khi chín có màu trắng, trong, tròn, không nát. Sáng sớm ngày 6-3, dân làng tập trung tại nhà chứa lễ và rước bánh về đền làm lễ tế.

Ông Nguyễn Quốc Thắng cho biết thêm: Những năm gần đây, ngoài việc làm bánh dâng Hai Bà, Hội Phụ nữ xã còn tổ chức hội thi làm bánh trôi vào ngày 6-3 để tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Khi làm xong, các đội tập trung về UBND xã và tổ chức thành đội rước bánh ra đền trong tiếng nhạc hội vui tươi, náo nhiệt.

Người ta nói rằng đã là người Hát Môn thì dẫu đi Nam về Bắc hay ra nước ngoài đều kiêng không ăn bánh trôi từ ngày 5-9 năm trước đến ngày 5-3 âm lịch năm sau. Đến sáng ngày 6-3, sau khi làm lễ dâng bánh trôi cúng Hai Bà, các gia đình mới cúng tổ tiên và thưởng thức bánh vào chiều hôm đó.

Xây dựng thương hiệu du lịch


Nói về Lễ hội Hai Bà Trưng 2011, ông Doãn Trung Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ, Trưởng BTC lễ hội cho hay: Lễ hội sẽ được tổ chức theo đúng nghi thức truyền thống, nhưng có điểm mới là lễ dâng bánh trôi sẽ hoành tráng hơn. Khách thập phương dự hội sẽ được thưởng thức món bánh vừa ngọt, vừa mát, ẩn chứa tấm lòng thành kính đối với Hai Bà của người dân nơi đây. Trong lễ mít tinh vào ngày 8-4 (6-3 âm lịch), các đơn vị có di tích thờ Hai Bà sẽ ký chương trình phối hợp bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống di tích thờ Hai Bà. Ngoài ra, nhân dân các xã khác trong huyện sẽ tham gia kéo co, cờ người, cờ tướng, bịt mắt, đập niêu, hát quan họ… Để lễ hội diễn ra văn minh, trật tự, huyện đã thành lập các tiểu ban với nhiệm vụ cụ thể, kiên quyết không để tệ nạn cờ bạc, "cái bang" có cơ hội tung hoành.

Với mục tiêu xây dựng di tích Hai Bà Trưng ở Hát Môn trở thành điểm đến du lịch quanh năm, gần 100 tỷ đồng đã và đang được đầu tư. Hiện, việc tu bổ các hạng mục chính, bãi đỗ xe ô tô, khu vui chơi giải trí, đường vào di tích… đã hoàn thành. Dự án tôn tạo không gian di tích đang được triển khai… Tương lai, huyện Phúc Thọ sẽ mở rộng không gian di tích lên 7-8ha. Trong không gian ấy, huyện sẽ xây dựng phòng trưng bày truyền thống, giới thiệu hình ảnh những phụ nữ Việt Nam điển hình qua các thời kỳ, thành lập BQL di tích; xây dựng các gian bán hàng lưu niệm, bán đặc sản của địa phương, từng bước đưa đền thờ Hai Bà trở thành nơi học tập lịch sử, giao lưu, sinh hoạt văn hóa của thanh niên, học sinh, sinh viên mọi miền đất nước… - Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn khẳng định.

Ngoài lễ hội vào ngày 6-3, nhân dân Hát Môn còn tổ chức lễ hội vào ngày 4-9 và 24 tháng Chạp. Ngày 4-9 là ngày kỷ niệm Hai Bà tế cờ khao quân. Trong ngày này, dân làng kéo cờ đại, giết trâu, giết bò, lợn, dê để tế lễ. Lễ Mộc dục - 24 tháng Chạp là ngày hội lớn, hàng trăm trai thanh, gái lịch trong làng được tuyển chọn phù giá, 8 thiếu nữ được chọn theo hầu kiệu Hai Bà.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo xứ Đoài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.