Bị rút hàng chục tỉ đồng mỗi ngày, các ngân hàng đang tung đủ chiêu để lôi kéo khách gửi tiền. Từ tặng áo mưa tới thẻ tập thể dục, tận dụng cả
Bị rút hàng chục tỉ đồng/ngày
Từ đầu tháng 9/2011, khi Ngân hàng Nhà nước "thiết quân luật" với trần lãi suất tiền gửi VND không quá 14%/năm, các ngân hàng đã dự báo về một giai đoạn khó khăn trong huy động vốn và tung ra nhiều "chiêu" để giữ khách.
Một trong những "chiêu" được nhiều ngân hàng áp dụng là tăng lãi suất huy động ngắn ngày (tính theo ngày hoặc tuần). Một số ngân hàng đã đưa ra huy động kỳ hạn 1, 2, 3, 4, 5, 6 ngày, lãi suất ở mức 13,8%/năm (0,0386%/ngày) và áp dụng lãi suất tiền gửi 14%/năm đối với kỳ hạn 1 tuần.
Tuy nhiên sau đó, Ngân hàng Nhà nước siết bằng cách khống chế trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 1 tháng chỉ tối đa 6%/năm, thì việc huy động vốn của không ít ngân hàng lại khó khăn hơn, nhất là những ngân hàng nhỏ.
Theo phản ánh của một số ngân hàng, với những chính sách mới liên quan tới lãi suất huy động liên tục được ban hành thời gian gần đây, nhiều khách hàng đã tỏ ra không mấy vui vẻ do lãi suất tiền gửi bị giảm mạnh so với mức thực hưởng 18-19%/năm trước đây. Không ít người gửi tiền, nhất là các nhà đầu tư đã chuyển kênh đầu tư.
Bên cạnh đó, khi mặt bằng lãi suất đầu vào ở các ngân hàng đều bằng nhau, thì hiện tượng người dân đến rút tiền từ ngân hàng nhỏ sang gửi ngân hàng lớn có tên tuổi, uy tín và chất lượng phục vụ tốt hơn diễn ra ngày càng nhiều.
Một số ngân hàng nhỏ tại Hà Nội cho biết, tiền gửi tiết kiệm hơn 1 tháng qua đã "bốc hơi" trung bình 20 tỉ đồng/ngày. Các ngân hàng này đã phải vay vốn của những ngân hàng khác với lãi suất cao hơn để bù đắp mất cân đối thanh khoản tạm thời.
Tặng từ áo mưa tới thẻ tập thể dục
Nguồn vốn của nhiều ngân hàng nhỏ sụt giảm, dẫn đến những ngân hàng này buộc phải cạnh tranh để tăng huy động vốn. Nhiều chi nhánh của các ngân hàng đã ngay lập tức thành lập và đẩy mạnh hoạt động chăm sóc khách hàng.
Những khách hàng gửi tiền với số lượng lớn, khách hàng thường xuyên là đối tượng được quan tâm đặc biệt. Các nhân viên sẽ liên lạc ngay với những khách hàng này không cần biết số dư trên tài khoản của họ hiện có còn hay không còn để lên kế hoạch chăm sóc.
Trao đổi với phóng viên, một chủ DN nhỏ và vừa trên đường Vũ Ngọc Phan (Hà Nội) cho biết có ngày chị nhận được 5 cuộc gọi từ các chi nhánh ngân hàng khác nhau là nơi trước đây thường gửi tiền xin gặp.
Chỉ cần biết mình đang ở địa điểm nào và có thể gặp được thì các nhân viên ngân hàng ngay lập tức tìm đến với một món quà nhỏ, có thể là 1 chiếc áo mưa, ô, ba lô... sau đó là những thuyết trình về các dịch vụ, chương trình khuyến mãi của ngân hàng mình và cuối cùng là lời mời gửi tiền hoặc giới thiệu bạn bè, người thân đến gửi tiền tại đây.
Thời buổi đồng tiền khan hiếm, khách hàng đúng là thượng đế, người phụ nữ này nói. Có chi nhánh của ngân hàng lớn tại quận Đống Đa mặc dù chị chưa hề gửi tiền tại đó nhưng biết chị là khách hàng thường xuyên của những chi nhánh khác, còn đến tận nơi, đề nghị tặng chị cả thẻ tập thể dục thẩm mỹ tại trung tâm thể dục thẩm mỹ lớn ở Hà Nội với trị giá 2 triệu đồng/tháng. Họ lấy thông tin cá nhân, về làm thẻ rồi mang đến tận nơi tặng, không thể từ chối.
Cũng không chỉ tặng thẻ, có ngân hàng lại tặng khách hàng coupon ăn trưa ở những nhà hàng tên tuổi. Một số chi nhánh ngân hàng đã tăng giá trị quà tặng, sẵn sàng tặng những khách hàng lớn, thường xuyên tặng phẩm là túi xách, mỹ phẩm hàng hiệu... với mong muốn giữ chân khách hàng.
Có không ít ngân hàng nhỏ đã dùng cả "mỹ nhân kế" với đội ngũ nhân viên nữ xinh đẹp dịu dàng, giỏi ăn nói để giữ khách ở lại với mình. Đặc biêt có chi nhánh ngân hàng tại đường Trần Thái Tông (Hà Nội) còn yêu cầu tất cả mọi nhân viên cùng tham gia huy động vốn. Một lái xe của chi nhánh ngân hàng này cho biết, anh được giám đốc động viên huy động cho cơ quan từ nay đến hết năm với định mức tối thiểu là 1,5 tỷ đồng. Thế nên anh phải gọi điện cho anh em bạn bè để kêu gọi họ có tiền nhàn rỗi thì mang đến chỗ anh gửi, người lái xe này nói.
Giám đốc một chi nhánh ngân hàng nhỏ tại đường Láng Hạ (Hà Nội) tâm sự rằng có chiêu nào khả dĩ lôi kéo được khách hàng gửi tiền thì trong lúc này các ngân hàng nhỏ đều vận dụng bằng hết với mong muốn tăng nguồn vốn huy động. Với lãi suất liên ngân hàng hiện đã bị đẩy lên quá cao tới 40% thì việc vay vốn của từ các ngân hàng khác để bù đắp thiếu hụt thanh khoản là biện pháp bất đắc dĩ. Cách làm này không hiệu quả bằng huy động vốn từ người dân gửi tiết kiệm. Vì vậy mà nhiều ngân hàng nhỏ coi hoạt động chăm sóc khách hàng trong thời điểm này là nhiệm vụ quan trọng đối với họ.
Cũng theo vị giám đốc này, những chương trình khuyến mãi nhằm thu hút người gửi tiền vẫn đang âm thầm được đẩy mạnh, không chỉ giữa các ngân hàng thiếu vốn mà còn giữa các nhánh của từng ngân hàng với nhau.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.