(HNMO) - Ngày 7-8, tại TP Đà Lạt, đã diễn ra Chương trình gặp gỡ doanh nhân Việt Nam.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng hơn 400 đại biểu đại diện các bộ, ngành, các doanh nghiệp Việt Nam ở hơn 30 quốc gia trên thế giới.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải gặp các doanh nhân tiêu biểu |
Đánh giá về kết quả cuộc gặp lần thứ nhất, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người VNONN Nguyễn Thanh Sơn cho biết, hai năm qua cầu nối doanh nhân trong và ngoài nước đã đóng góp tích cực trong việc đưa hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài và thúc đẩy đầu tư về Việt Nam.
“Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc liên kết giữa các doanh nhân trong và ngoài nước để tạo môi trường hợp tác, cầu nối rất quan trọng. Chúng ta có thể thông qua các doanh nhân ở các châu lục khác nhau để đưa hàng hóa chất lượng cao của Việt Nam sang các nước trên thế giới. Sắp tới khi Việt Nam trở thành thành viên đầy đủ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), sự kết nối giữa các doanh nhân trong và ngoài nước sẽ bổ trợ cho nhau, đặc biệt là luật pháp quốc tế” – Thứ trưởng khẳng định.
Đại diện Ủy ban Nhà nước về người VNONN trao giấy khen cho tập thể và cá nhân doanh nghiệp tiêu biểu người VNONN. |
Đến nay đã có 51 trong tổng số 63 tỉnh/thành cả nước có các dự án đầu tư của người VNONN, với hơn 3.600 doanh nghiệp kiều bào có số vốn đóng góp là 8,6 tỷ USD. Nhiều doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài đã mang nhiều dự án đầu tư lớn về cho đất nước. Ông Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh, cái khó nhất của chúng ta hiện nay là phải giải quyết tốt các cơ chế chính sách để đầu tư về nước bảo đảm đen lại lợi ích cho đất nước và các doanh nghiệp.
Đánh giá cao sáng kiến Chương trình, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu chỉ đạo khẳng định, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị và toàn dân. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải mong rằng các đại biểu tham dự Chương trình tập trung thảo luận một số vấn đề như: đánh giá kết quả vận động kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước; làm rõ những khó khăn và thuận lợi trong quá trình thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài; trao đổi kinh nghiệm quản lý, mở rộng thị trường… nhằm tăng cường kết nối các doanh nhân trong và ngoài nước cũng như thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam.
*Bà Helena Van, Việt kiều tại Thụy Điển: Cần có chính sách ưu đã cụ thể cho các Kiều bào: Những Kiều bào đã rời gia đình về Việt Nam đầu tư kinh doanh là những người có tâm huyết, yêu quê hương. Tôi mong rằng Chính phủ cần có những chính sách ưu tiên, hỗ trợ cụ thể hơn nữa nhằm tạo điều kiện cho các Kiều bào đầu tư tại Việt Nam. Cụ thể tạo thuận lợi trong việc vay vốn ngân hàng, miễm giảm các loại thuế, cho các dự án bất động sản, du lịch, xây dựng được giãn tiến độ để giảm thiểu khó khăn; tạo thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính… *Ông Phạm Văn Thành, Việt kiều tại Canada: Cần tận dụng sức mạnh của lực lượng người Việt Nam ở nước ngoài. Với hơn 4,5 triệu kiều bào ta ở nước ngoài, đây là sức mạnh hết sức to lớn để thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam cũng như xuất khẩu hàng Việt Nam ra nước ngoài. Chúng ta cần hình thành một mạng lưới thông tin giữa các cơ sở xản xuất trong nước và các kiều bào ở nước ngoài, tận dụng lực lượng người Việt Nam ở nước ngoài như một lực lượng tiếp thị cho sản phẩm trong nước thì việc mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác để có thể xuất khẩu hàng Việt Nam ra nước ngoài sẽ được cải thiện. Cùng với đó, Chính phủ cần kích cầu và hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu hàng Việt Nam ra nước ngoài, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp cũng như tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt Nam ở nước ngoài. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.