(HNM) - Hiện nay, trách nhiệm xã hội đối với người lao động đang bị các doanh nghiệp Việt Nam coi nhẹ. Vấn đề này vừa được xới lên tại hội thảo:
Nhiều vi phạm về làm thêm giờ
Bộ luật Lao động năm 2012 quy định, tổng số giờ làm thêm của người lao động không được quá 200 giờ trong một năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định, nhưng cũng không quá 300 giờ trong một năm. Tuy nhiên, điều tra mới đây của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) trên 1.500 doanh nghiệp tại 15 tỉnh, thành phố cho thấy, tại Hải Phòng, người lao động phải làm thêm đến 600-700 giờ một năm. Đặc biệt, tại TP Hồ Chí Minh, có nơi người lao động phải làm thêm tới 100-120 giờ một tháng. Cũng theo kết quả điều tra trên, có tới 3,79% số người lao động phải làm thêm vượt 300 giờ trong một năm, 8,11% người lao động phải làm thêm 200-300 giờ. Trên thực tế, có đến 72,8% doanh nghiệp có huy động lao động làm thêm giờ, trong đó địa bàn có tỷ lệ doanh nghiệp huy động làm thêm giờ nhiều nhất là Hưng Yên (93%), tiếp đến là Long An (90%) và Hải Dương (84,09%). Địa bàn có tỷ lệ doanh nghiệp huy động làm thêm giờ thấp nhất là Hà Nội cũng lên tới 51,4%.
Cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh để các doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội đối với người lao động. Ảnh: Bá Hoạt |
Thang, bảng lương là căn cứ để các bên thương lượng và ký kết, thực hiện quan hệ lao động và là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước về lao động giám sát việc quy định, trả lương của doanh nghiệp. Theo quy định, doanh nghiệp khi sử dụng lao động bắt buộc phải có thang, bảng lương. Song, theo báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Bộ luật Lao động (của Bộ LĐ-TB& XH) về việc xây dựng và đăng ký thang lương, bảng lương của các doanh nghiệp tư nhân rất thấp, chỉ khoảng 10%. Nhiều doanh nghiệp xây dựng thang lương, bảng lương thành nhiều bậc, tách tiền lương thành nhiều khoản phụ cấp, trợ cấp để trốn đóng BHXH. Quy định tiêu chuẩn nâng lương, điều kiện hưởng trợ cấp, phụ cấp, tiền thưởng, cách trả thưởng tháng, quý, năm cũng rất phức tạp, gây khó khăn cho người lao động. Thực tế cho thấy, trong mỗi doanh nghiệp đang tồn tại ba cơ chế trả lương: Một chỉ để tham gia BHXH và giải quyết chế độ chính sách, một để quyết toán thuế và một để chi trả thực tế cho người lao động.
Theo PGS, TS Nguyễn Hữu Chí (Trường ĐH Luật Hà Nội), tuy chưa có vụ án nào được đưa ra xét xử nhưng các hành vi phân biệt đối xử, lạm dụng, quấy rối người lao động vẫn diễn ra tại các doanh nghiệp. Điển hình là tháng 5 năm 2013, tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, Công ty TNHH Doojung Việt Nam đã ra một quyết định kỳ cục, đó là cho tất cả các công nhân nữ mang thai ở tháng thứ 6 nghỉ việc với lý do không chịu làm tăng ca theo chỉ đạo. Chưa hết, công ty còn "đe" công nhân bằng quy định cấm có con trong vòng 2-3 năm.
An toàn lao động chưa được quan tâm
Cũng theo TS Nguyễn Hữu Chí, không ít doanh nghiệp hiện nay chưa chú ý tới công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện làm việc nên tai nạn lao động còn xảy ra nhiều. Trung bình mỗi năm số vụ tai nạn lao động tăng 17,38%, số người chết tăng 7,5%. Thời gian qua, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động lớn, làm chết nhiều lao động. Bên cạnh đó, môi trường lao động ở nhiều doanh nghiệp, nhiều khu công nghiệp đang bị ô nhiễm nặng cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người lao động.
Điều đáng nói là nhiều doanh nghiệp ngoài nhà nước coi nhẹ quyền lợi của người lao động nhưng các tổ chức công đoàn lại ít và hoạt động mờ nhạt. Cho đến nay, chỉ khoảng 10% tổng số doanh nghiệp có công đoàn cơ sở. Tại các tỉnh, thành phố lớn thì việc thành lập công đoàn cơ sở còn gặp nhiều khó khăn và chiếm tỷ lệ thấp như TP Hồ Chí Minh là 50%, Hà Nội 12%, Vĩnh Phúc 12,7%. Nhiều doanh nghiệp có tổ chức công đoàn nhưng chủ tịch công đoàn đồng thời là chủ doanh nghiệp nên không chú ý bảo vệ quyền lợi người lao động mà chỉ lo bảo vệ quyền lợi người sử dụng lao động. Luật Lao động hiện hành quy định những nơi chưa có tổ chức công đoàn thì cử đại diện tập thể người lao động. Nhưng thời gian qua, trong các vụ tranh chấp lao động, chưa thấy nơi nào có đại diện tập thể người lao động. Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp đã xây dựng thỏa ước lao động tập thể chỉ đạt khoảng 25-30%. Việc ký kết thỏa ước lao động tập thể ở các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn hiện nay hầu như diễn ra một cách hình thức, hiệu lực, hiệu quả rất thấp.
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động vừa là vấn đề pháp lý vừa là vấn đề đạo đức xã hội. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh nhằm buộc các doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội đối với người lao động để bảo đảm phát triển bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.