Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp và người chăn nuôi lao đao

Nhóm PV NNNT| 11/09/2013 05:49

(HNM) - Nếu chỉ dừng một ngày không chuyển được gia cầm giống từ các địa phương phía Bắc vào phía Nam thì sẽ gây ra bất ổn lớn về cung cầu.

Việc cấm vận chuyển giống gia cầm qua đường hàng không đã gây hoang mang, lo lắng cho các hộ chăn nuôi và sản xuất giống gia cầm. Ảnh: Lê Tuấn


Ảnh hưởng lớn tới sản xuất

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN& PTNT), hiện cả nước có hàng trăm DN kinh doanh, sản xuất giống gia cầm và khoảng một triệu hộ sản xuất con giống nhỏ lẻ ở các địa phương. Trong mấy ngày gần đây các DN sản xuất giống gia cầm đang nhốn nháo, hoang mang trước thông tin Cục Hàng không (Bộ GTVT) ban hành Chỉ thị số 3921/CT-CHK yêu cầu các đơn vị trực thuộc tạm dừng vận chuyển gia cầm giống qua đường hàng không, qua Sân bay quốc tế Nội Bài, bắt đầu từ ngày 4-9-2013. Ông Nguyễn Văn Trọng - Cục phó Cục Chăn nuôi cho biết, mấy ngày nay, ngày nào Cục cũng nhận được kiến nghị của các DN và hộ sản xuất con giống đề nghị tháo gỡ khó khăn này. Theo ông Trọng, đặc thù sản xuất con giống của Việt Nam có sự lưu thông giữa miền Bắc và miền Nam để đáp ứng nhu cầu phát triển chăn nuôi. Trong khi đó, tại miền Bắc, gà giống dao động từ 12.000 đến 15.000 đồng/con, bán tại miền Nam khoảng 22.000 đồng/con. Quyết định của Cục Hàng không sẽ ảnh hưởng tới việc vận chuyển gia cầm từ Bắc vào Nam, làm cho ứ đọng con giống, ảnh hưởng trực tiếp tới phát triển chăn nuôi trong nước. Thực tế, các hộ sản xuất giống gia cầm ở miền Bắc chủ yếu bán vào các tỉnh phía Nam, nhất là gà lông màu và vịt. Ngoài ra, việc này cũng ảnh hưởng lớn việc nhập gia cầm giống từ các nước, trung bình hằng năm Việt Nam vẫn phải nhập khoảng 1,8 triệu con gia cầm giống đáp ứng nhu cầu chăn nuôi.

Theo Công ty TNHH MTV Gà giống Dabaco (Tập đoàn Dabaco Việt Nam-DBC), trung bình một tuần công ty cung cấp từ 2-3 vạn con gà giống, chủ yếu cho các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam bộ. Từ ngày 4-9 đến nay, gần như mọi hoạt động vận chuyển giống của công ty đình trệ, DN như "ngồi trên đống lửa". Đến thời điểm này, công ty đã mất 3 phiên chuyển con giống từ Bắc vào Nam. Cục Hàng không cấm vận chuyển trong thời điểm này khiến nông dân các tỉnh phía Nam đang tập trung tái đàn mạnh phục vụ thị trường tết bị ảnh hưởng. Mấy ngày nay, các đơn vị mua giống của công ty phải đôn đáo vào Nam ra Bắc để giải quyết khó khăn. Hiện công ty đã có văn bản gửi Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) và Cục Hàng không (Bộ GTVT) đề nghị cho phép vận chuyển trở lại để tránh gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho DN. Cùng chung tâm trạng này, anh Lê Thanh Hải, hộ sản xuất giống vịt ở Đại Xuyên (Phú Xuyên) cho biết, tại xã Đại Xuyên có khoảng 50 hộ sản xuất giống vịt, trong đó có 30% số hộ bán cho các hộ chăn nuôi phía Nam. "Khoảng một tuần nay, khi có thông báo về việc cấm vận chuyển gia cầm bằng đường hàng không, các hộ đứng ngồi không yên vì gia cầm giống nếu một ngày không tiêu thụ được sẽ bị hỏng vì bị bệnh khô chân mà chết" - anh Hải than phiền.

Nên tháo bỏ lệnh cấm

Các DN và hộ sản xuất giống đều cho rằng, từ trước đến nay, Cục Hàng không vẫn tạo điều kiện cho việc vận chuyển gia cầm giống hỗ trợ lưu thông con giống thuận lợi. Hơn nữa, khoảng hơn một năm nay, ngành chăn nuôi hầu như bị lỗ vì mọi chi phí đầu vào đều tăng thì đầu ra giảm mạnh. Hơn một tháng nay, ngành chăn nuôi có dấu hiệu khởi sắc, người nuôi bắt đầu có lãi và giá con giống gia cầm cũng tăng khoảng 10% so với các tháng đầu năm.

Ông Nguyễn Văn Trọng cho biết Cục đã báo cáo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phối hợp tháo gỡ khó khăn cho các DN cũng như hộ sản xuất giống gia cầm. Hy vọng tình hình sẽ sớm được cải thiện.

Gia cầm có giấy kiểm dịch an toàn sẽ vẫn được vận chuyển bằng đường hàng không

(HNM) - Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và người chăn nuôi, Vụ Vận tải (Bộ GTVT) đã trình lãnh đạo Bộ dự thảo đề nghị tăng cường kiểm soát, hạn chế vận chuyển bằng đường hàng không các loại gia cầm và sản phẩm gia cầm từ vùng dịch ở nước ngoài vào Việt Nam. Theo đó, nếu lô hàng là các loại gia cầm và sản phẩm gia cầm có giấy kiểm dịch động vật an toàn do các cơ quan chức năng cung cấp thì vẫn được vận chuyển bằng đường hàng không.

Cục Hàng không Việt Nam cũng khẳng định đã có đủ cơ sở để dỡ bỏ quy định hạn chế vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm bằng đường hàng không sau khi Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) công bố không còn địa phương nào có dịch cúm gia cầm.

Lương Ninh Giang
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp và người chăn nuôi lao đao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.