(HNM) - Dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Để đạt mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu đặt ra hiện nay là các cấp, ngành, địa phương cần nhận diện thực tế, thực hiện đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, sẵn sàng đạt hiệu quả cao trong thời gian tới.
Nhiều thách thức mới
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, 2 tháng đầu năm nay, cả nước có 17,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 220 nghìn tỷ đồng. Kết quả trên tăng 9,1% về số doanh nghiệp, nhưng giảm 11,1% về vốn đăng ký và giảm 3,9% về số lao động so với cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh 11.900 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, có 16.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Thực tế là trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đang thiếu nguyên liệu sản xuất do việc nhập khẩu bị gián đoạn. Ông Chu Hữu Nghị, Phó Giám đốc Công ty cổ phần May Hưng Yên (phường Minh Khai, thành phố Hưng Yên) cho biết, nguyên liệu sản xuất của công ty đang cạn kiệt và hiện công nhân phải giãn ca. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ phát sinh nguy cơ khó "giữ chân" người lao động.
Ngành Dệt may, da giày - vốn có sản phẩm xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam cũng là những ngành chịu tác động lớn nhất từ tình trạng thiếu nguyên liệu. Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da - giày - túi xách Việt Nam, mặc dù một số doanh nghiệp đã chủ động tìm nguồn nguyên liệu sản xuất từ Ấn Độ, Thái Lan... nhưng cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Trong khi đó, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay, doanh nghiệp đang tận dụng tối đa khả năng cung ứng từ các nguồn nội địa nhưng thực tế là rất eo hẹp...
Chia sẻ về khả năng thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu của các doanh nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, lượng tồn kho nguyên liệu dự kiến chỉ đủ bảo đảm sản xuất đến khoảng cuối tháng 3. Do Trung Quốc nằm ở vị trí khởi đầu của chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất nên không chỉ doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng mà ngay cả các doanh nghiệp lớn mang tầm quốc tế cũng không nằm ngoài tác động.
Ngoài việc thiếu nguyên liệu, dịch Covid-19 còn tác động mạnh đến lĩnh vực dịch vụ, du lịch. Đơn cử như ngành Hàng không đã phải hủy nhiều đường bay; số máy bay không thể khai thác khá lớn, mà như người trong ngành đánh giá là “chưa từng có trong lịch sử”. Theo ước tính mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không trong nước sẽ giảm doanh thu khoảng 25.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp du lịch cũng bắt đầu tạm cắt giảm nhân lực do số khách Trung Quốc, Hàn Quốc và bây giờ là khách châu Âu sụt giảm mạnh.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2-2020 (ngày 3-3), Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến một số ngành của Việt Nam như điện tử, may mặc, giày da, cơ khí và làm thiếu hụt nguồn lao động, gián đoạn chuỗi cung ứng hay vận chuyển hành khách, giáo dục, du lịch. “Theo thống kê, lượng khách của khách sạn giảm 60-70%, ngành Du lịch ước tính thiệt hại khoảng 7 tỷ USD do dịch bệnh", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Chủ động các giải pháp vượt khó
Để đạt mục tiêu kép, vừa chủ động ứng phó với dịch Covid-19, vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2020, một lần nữa, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh phải chuẩn bị tốt mọi điều kiện, có chính sách hỗ trợ tốt nhất cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Thủ tướng đặc biệt lưu ý các gói hỗ trợ tiền tệ, tài khóa, thương mại đầu tư, cải cách thủ tục hành chính vào các lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh. Đáng chú ý, Thủ tướng chỉ đạo dành khoản hỗ trợ tín dụng, khoanh, giãn nợ… lên tới 30.000 tỷ đồng; đồng thời, khẩn trương đề xuất phương án miễn, giảm, giãn, hoãn, chậm nộp các khoản thuế, phí, lệ phí, trong đó có việc giảm thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội...
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã hỗ trợ cho hơn 44.000 khách hàng, với dư nợ 222.000 tỷ đồng thông qua cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, phí và triển khai nhiều sản phẩm tín dụng. Còn ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho hay, Bộ Công Thương đã làm việc với các tỉnh biên giới phía Bắc, nhằm sớm khôi phục lại hoạt động giao thương, trong đó có việc nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất. “Hiện tại, tỉnh Lạng Sơn đã trao đổi với phía Bằng Tường (Trung Quốc) nhằm đẩy nhanh tốc độ thông thương, giảm tác động của các biện pháp kiểm dịch đến hoạt động xuất nhập khẩu”, ông Trần Thanh Hải thông tin.
Chủ động khắc phục khó khăn trong bối cảnh hiện nay, các địa phương và doanh nghiệp cũng đang triển khai nhiều giải pháp. Sở Công Thương Hà Nội đã gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp, ghi nhận các khó khăn, kiến nghị để đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn và đề xuất thành phố giảm lãi suất cho vay phục vụ sản xuất. Để khuyến khích khởi nghiệp, tư vấn, cung cấp thông tin thị trường..., Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) vừa vận hành Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp. Theo ông Lê Văn Quân, Giám đốc Trung tâm, đây là địa chỉ để doanh nghiệp tiếp cận về công nghệ và thị trường, quảng bá hình ảnh kết hợp tìm đối tác...
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Phú, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse (35 Mạc Thái Tổ, quận Cầu Giấy) đề xuất, cơ quan chức năng nên xác định doanh nghiệp nào cần vốn, công nghệ, mặt bằng hay logistics để hỗ trợ một cách cụ thể... Còn ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ, nhiều doanh nghiệp đã tăng cường các dịch vụ chăm sóc khách hàng, chỉnh trang cơ sở vật chất, chủ động khai thác tour tuyến mới, để sẵn sàng đáp ứng lượng khách hồi phục dự kiến sau quý I-2020.
Nói cách khác, dịch Covid-19 cũng là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp tái cơ cấu, chủ động biến “nguy thành cơ”, tạo thêm nội lực. Đây là sự chuẩn bị rất cần thiết như lời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Giống một cái lò xo bị nén, cần chuẩn bị tốt để bật ra mạnh mẽ trong thời gian tới”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.