Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp trong nước phải liên kết để tồn tại

Việt Nga| 11/05/2012 07:50

Theo cam kết WTO, từ ngày 11-1-2012, thị trường bưu chính chuyển phát trong nước mở cửa cho phép các DN 100% vốn nước ngoài kinh doanh dịch vụ. Như vậy, DN bưu chính, chuyển phát trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt từ DN nước ngoài.


Khó trên "sân nhà"

Hơn 10 năm gia nhập thị trường chuyển phát Việt Nam, các nhà khai thác có mạng lưới toàn cầu như Fedex, UPS (Mỹ); TNT (Hà Lan) và DHL (Đức) hoạt động chủ yếu theo hình thức đại lý hợp tác với các DN Việt Nam, hoặc theo hình thức liên doanh. Sau ngày 11-1-2012, khi bắt đầu thực hiện mở cửa thị trường, các DN này đã chuyển dần sang hoạt động độc lập, chẳng hạn Fedex dừng hợp tác với Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VietnamPost) để hợp tác với công ty tư nhân, UPS thành lập công ty UPS Việt Nam… Theo ông Đỗ Ngọc Bình, Tổng Giám đốc VietnamPost, với thế mạnh về vốn, mạng lưới toàn cầu, các công ty trên đang "nắm" toàn bộ đường đi ra quốc tế trong lĩnh vực chuyển phát nhanh. Với thị trường nội địa, đến nay các DN này vẫn chưa quan tâm đến lĩnh vực chuyển phát nhanh trong nước, tuy nhiên khi thị trường này phát triển, họ sẽ quay lại và như vậy sức ép cạnh tranh đối với các DN nội địa càng lớn và thị trường chuyển phát bưu phẩm, bưu kiện trong nước chắc chắn sẽ phải chia sẻ.


Ngành bưu chính, chuyển phát trong nước sẽ phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.    Ảnh: Bá Hoạt


Đó là mối lo có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nếu các DN bưu chính, chuyển phát nhanh trong nước không mạnh. Thế nhưng, DN trong nước cũng gặp không ít khó khăn, trước hết là nguồn nhân lực. Về đào tạo, trong khi ngành viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT), đã mở nhiều trường đào tạo đại học, cao đẳng có khoa điện tử, viễn thông, nhưng chưa có trường nào đào tạo về bưu chính, thậm chí ngay cả trường của ngành cũng chưa có khoa này. Do vậy, các DN bưu chính, chuyển phát phải tự đào tạo và đó cũng là điểm yếu khi nhu cầu phát triển về nhân lực đòi hỏi. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), trong nước hiện có 44 DN đã được cấp phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư, 43 DN được xác nhận thông báo hoạt động kinh doanh dịch vụ chuyển phát, nhưng vẫn còn nhiều DN hoạt động "chui", cạnh tranh không lành mạnh. Đáng chú ý là do chưa có các văn bản, chính sách quy định chặt chẽ nên cơ quan quản lý nhà nước chưa thể kiểm tra, xử phạt vi phạm trong lĩnh vực này. Chẳng hạn, có một số DN vận tải (là các hãng xe khách đường dài) tuy không có chức năng chuyển phát bưu phẩm, bưu kiện nhưng đã tự tham gia cung ứng dịch vụ này… gây thiệt hại không nhỏ cho quá trình kinh doanh của những DN được cấp phép. Tất nhiên, việc các nhà xe này tranh thủ kiêm thêm chức năng kinh doanh chuyển phát và được người dân lựa chọn, cũng có lỗi của chính các DN bưu chính khi đã chưa làm tốt khâu tiếp thị, phát triển thị trường, nhưng dưới góc độ quản lý nhà nước, rõ ràng cơ quan quản lý chưa có biện pháp bảo đảm môi trường minh bạch cho DN hoạt động. Trong khi đó, chất lượng dịch vụ của các DN bưu chính chuyển phát trong nước có những thời điểm chưa bảo đảm tiến độ. Đại diện liên doanh DHL-VNPT cũng cho biết, điều họ lo ngại nhất khi làm việc với các DN trong nước là có bảo đảm tiến độ giao bưu phẩm, bưu kiện cho khách hàng như cam kết hay không. Tuy nhiên, đại diện Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam và Bưu chính Viettel cho biết, các DN trong nước cũng bị ảnh hưởng không nhỏ do các quy định trong khi làm các thủ tục thông quan, thời gian làm việc của cơ quan hải quan, quản lý thị trường…

Cần thành lập hiệp hội?

Các DN trong nước phải làm gì để cạnh tranh với DN nước ngoài vốn rất mạnh? Các chuyên gia cho rằng, DN trong nước cần bàn bạc việc thành lập Hiệp hội Bưu chính chuyển phát và hợp tác dùng chung cơ sở hạ tầng. Với vấn đề thành lập hiệp hội, đại diện các DN bưu chính, chuyển phát đều ủng hộ và hy vọng hiệp hội sẽ là đại diện để DN có tiếng nói góp ý xây dựng chính sách pháp luật của ngành, đồng thời là cầu nối để DN có thể chia sẻ thông tin, kinh nghiệm cũng như hỗ trợ lẫn nhau… Cũng có không ít quan điểm cho rằng, đến bây giờ mới bàn việc thành lập hiệp hội là quá muộn, song muộn còn hơn không! Tuy nhiên, có một thực tế mà các DN bưu chính cần lưu ý là từ năm 2006 các DN cung cấp dịch vụ di động cũng đã đề xuất thành lập hiệp hội viễn thông nhưng hơn 6 năm trôi qua, vẫn chưa ra đời. Vì vậy, đại diện Bộ TT-TT cho biết, muốn thành lập hiệp hội bưu chính chuyển phát, trước hết các DN phải bàn kỹ về hoạt động thế nào cho hiệu quả, cũng như những tồn tại có thể xảy ra và cách khắc phục. Ý kiến này rất xác đáng vì chỉ khi các DN cùng thống nhất thì hiệp hội mới ra đời và hoạt động có hiệu quả. Về vấn đề dùng chung cơ sở hạ tầng, ông Lương Ngọc Hải, Tổng Giám đốc Bưu chính Viettel cho rằng, các DN bưu chính, chuyển phát sẽ hợp tác, cùng vận chuyển bưu kiện, bưu phẩm trên cùng trục đường, tuyến sẽ tiết kiệm được chi phí vận chuyển, đầu tư, nhưng hiệu quả sẽ tăng gấp hai. Ý kiến này cũng được các DN đồng tình và cho biết sẽ cùng bàn bạc để triển khai…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp trong nước phải liên kết để tồn tại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.