Doanh nghiệp

Doanh nghiệp tiếp tục đối diện khó khăn

Hồng Sơn 02/08/2023 - 09:30

Mặc dù nền kinh tế đang có bước phục hồi nhưng chưa xác lập được sự ổn định khi nhìn vào diễn biến gia nhập và rút lui khỏi thị trường cũng như thực tế tình hình hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp.

Đáng lưu ý, ngày càng nhiều đơn vị đang “mệt mỏi” trước khó khăn cùng với hy vọng có thể tiếp tục tồn tại trên thị trường. Từ đó đặt ra yêu cầu hỗ trợ trên diện rộng với tinh thần khẩn trương, đồng hành, hiệu quả với cộng đồng nhà sản xuất kinh doanh từ phía Nhà nước.

doanhnghiep.jpeg
Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu vốn, thiếu đơn hàng, giảm sút sức mua trên thị trường.

Doanh nghiệp “yếu sức”

Theo Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng năm 2023, cả nước có 131,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và trở lại hoạt động, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, bình quân một tháng có 18,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động. Trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 113,3 nghìn đơn vị, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2022. Bình quân một tháng có 16,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Các số liệu trên cho thấy bức tranh doanh nghiệp khá u ám, thể hiện sự trầm lắng về khởi nghiệp cũng như suy giảm khả năng tồn tại trên thương trường.

Thực tế cho thấy tổng cầu yếu, thiếu đơn hàng, chi phí sản xuất gia tăng đã khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, thương mại bị thu hẹp trên diện rộng. Thông tin từ các hiệp hội doanh nghiệp cho biết, những khó khăn hiện nay đối với doanh nghiệp chủ yếu là sự sụt giảm đơn hàng, khó tiếp cận nguồn vốn, mất cơ hội xuất khẩu…

Việc chậm hoàn thuế VAT cũng là một thực tế, gây ảnh hưởng không nhỏ trong khi nguồn lực của nhiều doanh nghiệp dần cạn kiệt. Bên cạnh đó, vẫn còn những rào cản, sự chồng chéo, bất cập về quy định của cơ quan chức năng. Điều này khiến doanh nghiệp càng bị động, bất lợi chồng lên khó khăn… 

Ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội phản ánh, sau hơn 2 năm chống chọi với đại dịch, rất nhiều doanh nghiệp đã khó khăn nay lại thêm khó bởi đứt gãy chuỗi cung ứng, mất đối tác, hàng tồn kho, chậm tiêu thụ. Bên cạnh đó là khó khăn bấy lâu nay liên quan đến cơ chế chính sách, nguồn vốn, hạ tầng, đất đai sản xuất, công nghệ mới…

Từ góc nhìn tổng quát, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội xác nhận, rất nhiều doanh nghiệp đối diện thách thức từ nhiều chiều cạnh. Trong đó, chủ yếu là thiếu đơn hàng, giảm sút sức mua trên thị trường, thiếu vốn. Còn theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, khó khăn đang bủa vây các doanh nghiệp do sức tiêu thụ trong nước, việc tiếp cận vốn vay tín dụng còn rất khắt khe.

Giải pháp đồng bộ, sát thực tế

Trước yêu cầu tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế, phục hồi nhanh và bền vững, Chính phủ đang rất “sốt ruột” trong việc thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần giảm bớt áp lực chi phí đầu vào, giảm giá đầu ra cho doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, đề xuất sửa đổi quy định, xử lý các bất cập, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mới nhất, Thủ tướng Chính phủ một lần nữa yêu cầu các ngân hàng tiết giảm chi phí, giảm lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn.

Trước đó, Chính phủ tập trung chỉ đạo, ban hành nhiều cơ chế, chính sách tài khóa, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, miễn giảm thuế, phí, lệ phí với tổng quy mô khoảng 200.000 tỷ đồng. Thêm vào đó là triển khai chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) trong 6 tháng cuối năm… Các bộ, ngành cũng chủ động hơn trong vào??? cuộc giải quyết vướng mắc, đáp ứng nhu cầu chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó Bộ Tài chính đã yêu cầu Tổng cục Thuế khẩn trương hướng dẫn, hoàn thuế VAT đối với các hồ sơ đủ điều kiện.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục sử dụng linh hoạt chính sách tiền tệ, cung ứng vốn cho nền kinh tế. Bên cạnh giảm lãi suất, ngân hàng sẽ cân nhắc cho vay bằng hình thức tín chấp, quản lý dòng tiền... nếu doanh nghiệp bảo đảm minh bạch về tài chính.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương), các cơ quan chức năng cần tập trung tiếp thu ý kiến phản hồi từ cộng đồng doanh nghiệp, nâng cao năng lực chuyên môn kết hợp sự đồng hành, tinh thần chia sẻ thực sự trong hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh, trong tình huống gay cấn thì chỉ một chút thờ ơ của cán bộ, công chức cũng có thể khiến doanh nghiệp rơi vào nguy hiểm, thậm chí phá sản… Như vậy, tinh thần đồng hành thực chất luôn được doanh nghiệp trông đợi và đánh giá cao đối với hệ thống cơ quan chức năng.

Về phía mình, hầu hết doanh nghiệp đều mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành làm tốt công tác điều hành theo hướng linh hoạt, phù hợp thực tế. Chính sách tài khóa cần phối hợp với chính sách tiền tệ nhuần nhuyễn hơn để vừa kiểm soát lạm phát vừa tạo thêm dư địa giảm lãi suất cho vay. Qua đó giúp doanh nghiệp cũng như hệ thống ngân hàng thương mại tăng cường kết nối, làm ăn hiệu quả, phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp tiếp tục đối diện khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.