Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp muốn hỗ trợ, ngân hàng nói không thiếu vốn

Hà Linh| 09/02/2023 18:13

(HNMO) - Nhiều ý kiến đã được nêu ra tại hội nghị tín dụng cho bất động sản, do Ngân hàng Nhà nước vừa tổ chức tại Hà Nội, đề nghị các ngân hàng thương mại có giải pháp hỗ trợ tín dụng cho dự án bất động sản. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại lại có quan điểm khác.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó về tín dụng.

Kiến nghị gỡ vướng mắc về mục đích vay vốn

Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vinhomes cho biết, việc góp vốn hay mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào các doanh nghiệp khác không được ngân hàng thương mại cho vay.

Bên cạnh đó, lãi suất cho vay bất động sản đang chịu hệ số rủi ro cao, lên tới 200% so với hoạt động kinh doanh thông thường.

Trên quan điểm tiếp cận thận trọng và lo ngại về rủi ro thị trường, các ngân hàng thương mại yêu cầu tỷ lệ tài sản bảo đảm cao hơn vốn vay thông thường. Chính vì vậy, khi các dự án đang triển khai, chủ đầu tư phải bổ sung tài sản bảo đảm khác.

Tại hội nghị tín dụng bất động sản do Ngân hàng Nhà nước tổ chức mới đây, hầu hết doanh nghiệp bất động sản đề xuất cho phép doanh nghiệp bất động sản được tái cấu trúc nợ, giãn nợ trong vòng 24-36 tháng. Cùng với đó, Chính phủ có các giải pháp cắt giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp phép, sớm ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp... 

17 vấn đề được kiến nghị với ngành Ngân hàng gồm: Làm rõ, bổ sung quy định về mục đích vay vốn; quy định về giải ngân; về kiểm soát bất động sản theo mục đích; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; xem xét hệ số rủi ro, gia hạn thời gian thực hiện quy định về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung - dài hạn; xem xét tỷ lệ cho vay trên tài sản bảo đảm; có hướng dẫn chính sách về tín dụng đối với phát triển các khu đô thị; tăng room tín dụng cho lĩnh vực bất động sản; tháo gỡ khó khăn về vốn để xây dựng nhà ở xã hội; có chính sách riêng về tín dụng đối với cho bất động sản du lịch; cho vay với thời hạn dài hơn thời gian thực hiện dự án; phối hợp với Bộ Tài chính tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về trái phiếu doanh nghiệp; miễn, giảm lãi phí; cân nhắc về điều kiện vay vốn; nghiên cứu gói tín dụng cho vay nhà ở tương tự như gói tín dụng 30.000 tỷ đồng thực hiện từ năm 2013…

Ngân hàng không thiếu room cho bất động sản 

Liên quan đến thanh khoản với bất động sản, các ngân hàng thương mại đều khẳng định không thiếu “room” tín dụng với bất động sản. Đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết đã thống nhất sẽ giảm lãi suất huy động nhằm hạ lãi vay với nền kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng. Khó khăn thanh khoản hiện nay là do cấu trúc của thị trường bất động sản "đang có vấn đề" và cũng do chính từ phía các doanh nghiệp.

Theo lý thuyết, thị trường phải khởi sắc bởi cầu vượt cung. Tuy nhiên, 80% nguồn cung thị trường bất động sản hiện nay là phân khúc cao cấp, khách hàng có nhu cầu nhưng không thể tiếp cận. Ngân hàng cũng thận trọng bởi tính thanh khoản.

Theo lãnh đạo nhiều ngân hàng, xét con số thống kê, ngành ngân hàng đang "ưu ái" cho bất động sản. Lĩnh vực này là một trong số 1.571 ngành nghề kinh doanh, nhưng chiếm tới 21% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Tức là, 1.570 ngành nghề còn lại đang chia nhau 79% tổng dư nợ. Tăng trưởng cho bất động sản cũng ở mức cao, tỷ trọng trong cơ cấu xấp xỉ cả những lĩnh vực được ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn.

Các ngân hàng thương mại không thiếu vốn nhưng các doanh nghiệp phải đáp ứng đủ điều kiện thì mới có thể giải ngân vốn, bởi các ngân hàng phải bảo đảm không phát sinh rủi ro tín dụng, giữ an toàn hệ thống và nền kinh tế.

Chia sẻ với doanh nghiệp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, nếu kinh tế vĩ mô bất ổn định, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. Ở các nước, doanh nghiệp thường có bộ phận theo dõi, phân tích, dự báo tình hình để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh để không bị động. Ở Việt Nam, có trường hợp doanh nghiệp triển khai đồng thời hơn 50 dự án cùng lúc, rất dàn trải nên khi khó khăn sẽ rất khó xử lý.

"Doanh nghiệp phải chú trọng xây dựng kế hoạch, kiểm soát, theo dõi dòng tiền để không bị động. Doanh nghiệp bất động sản có nhiều dự án, nhiều tài sản có giá trị lớn nhưng để chuyển hóa ra tiền cần thời gian, phụ thuộc vào người mua, thủ tục... Đây là điểm rất quan trọng mà doanh nghiệp cần hết sức lưu ý", bà Hồng nêu. 

Cùng với đó, doanh nghiệp cần cơ cấu lại quản trị, cân đối giữa mục tiêu doanh thu, lợi nhuận và khả năng tiêu thụ sản phẩm; nâng cao năng lực tài chính để đa dạng hóa khả năng huy động vốn từ các nguồn khác, giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng. Đặc biệt, doanh nghiệp tích cực tham gia đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở giá rẻ theo nhu cầu thị trường và chủ trương của Chính phủ.

Để thực hiện các giải pháp tín dụng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp bất động sản, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để có dư địa giảm lãi suất cho vay, trong đó có người mua nhà và các dự án đã hoàn thiện thủ tục pháp lý. 

Doanh nghiệp cần tập trung nguồn vốn tín dụng vào các dự án có khả năng hoàn thành, sớm đi vào sử dụng, có khả năng tiêu thụ tốt, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở; chủ động rà soát, phân loại, đánh giá các dự án bất động sản đang được cấp tín dụng để có giải pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Đối với các dự án đang vướng mắc về thủ tục pháp lý, khách hàng chủ động báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ. Xem xét cấp tín dụng đối với cả chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, người mua nhà và các đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng để tăng khả năng luân chuyển vốn và thanh khoản cho thị trường bất động sản.

Trước đó, tại nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 1-2023, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho tín dụng bất động sản.  

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp, khẩn trương rà soát, đề xuất các biện pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phải được chuẩn bị, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15-2-2023.

Bộ Tài chính sớm hoàn thiện, trình dự thảo sửa đổi nghị định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp muốn hỗ trợ, ngân hàng nói không thiếu vốn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.