(HNM) - Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) mới đây đã công bố báo cáo về năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCR) 2015-2016. Theo đó, Việt Nam đã có tiến bộ đáng kể: đứng ở vị trí 56/140 quốc gia, tiến 12 bậc so với năm 2014.
Những "điểm cộng" của Việt Nam được WEF ghi nhận là nỗ lực cải cách thể chế kinh tế, cơ sở hạ tầng… Tuy nhiên, những hạn chế liên quan đến trình độ công nghệ, đặc biệt của hệ thống doanh nghiệp (DN) vẫn là điều Việt Nam cần phải cải thiện về thực chất. Nói cách khác, DN chưa là trụ cột của hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo. Tại sao vậy?
Hiện nay, cả nước có gần 600.000 DN, nhưng hơn 90% là DN vừa và nhỏ. Phần lớn DN đều sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới từ hai đến ba thế hệ và chỉ có 20% là nhóm ngành sử dụng công nghệ cao. Khảo sát từ Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) cho thấy, tỷ lệ giá trị nhập khẩu công nghệ, thiết bị mỗi năm tại Việt Nam chưa đến 10% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong khi đó, tỷ lệ này tại các nước đang phát triển khác lên đến 40%.
Mức độ làm chủ công nghệ của DN công nghiệp Việt Nam thuộc hàng thấp so với khu vực. Do còn hạn chế về trình độ công nghệ nên DN Việt Nam rất khó tham gia những dự án, chuỗi cung ứng cho các tập đoàn lớn để sản xuất và xuất khẩu.
Đáng lo ngại hơn, tiến trình đổi mới công nghệ tại DN đang diễn ra hết sức chậm chạp. Chúng ta đã có cơ chế cho phép DN được trích 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho nghiên cứu, phát triển (R&D) và đổi mới công nghệ nhưng việc triển khai trên thực tế rất khiêm tốn. Điều đó thể hiện ở chiến lược phát triển của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước - hầu hết "bỏ sân" KHCN. Họ chú trọng "ăn xổi" ở các mảng dịch vụ, thương mại... Các công ty có vốn đầu tư nước ngoài cũng không quan tâm tới R&D mà chú trọng khai thác nguồn nhân lực và nguyên liệu rẻ từ thị trường Việt Nam. DN tư nhân gần như không có bộ phận R&D hay Quỹ Phát triển KHCN vì nhiều nguyên nhân, trong đó có việc bộ phận này không sinh lợi nhuận ngay, trong khi chi phí đầu tư khá lớn. Biểu hiện rõ nhất là: Từ năm 2011 đến hết năm 2014, TP Hồ Chí Minh chỉ mới có chưa đầy 100 báo cáo về việc thiết lập Quỹ Phát triển KHCN. Trong đó, 30 DN đã trích, sử dụng quỹ với tổng số tiền 430,1 tỷ đồng và hiệu quả như thế nào cũng chưa tính toán được.
Trong khi đó, Nhà nước với vai trò "bà đỡ" thông qua việc ban hành chính sách về phát triển DN nói chung, KHCN nói riêng chưa làm hài lòng cộng đồng DN. Một trong những "rào cản" lớn nhất khiến DN khó tiếp cận nguồn hỗ trợ tài chính khi tham gia các hoạt động KHCN là thủ tục hành chính phức tạp, kéo dài. Cơ chế tài chính, cơ chế quản lý hoạt động khoa học bị hành chính hóa, việc tuyển chọn nhiệm vụ, cấp kinh phí để thực hiện nhiệm vụ KHCN theo năm kế hoạch, trong khi hoạt động của DN phụ thuộc vào nhu cầu thị trường, vì vậy khó gặp nhau. Thêm nữa, vòng đời của công nghệ ngày càng được rút ngắn (sự xuất hiện liên tục của các dòng máy điện thoại Samsung, Iphone, Ipad... là minh chứng), không thể ngóng chờ được đồng vốn hỗ trợ từ Nhà nước qua nhiều loại "cửa". Rõ ràng, những "rào cản" ấy đang làm nản lòng DN muốn phát triển dựa vào việc làm chủ KHCN.
…Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, ở đó hàng rào kỹ thuật không còn là cách mà DN trong nước có thể dựa vào. Đổi mới công nghệ không còn là bài toán xa lạ hay xa xỉ của DN, cũng không chỉ là câu chuyện của các tổ chức R&D mà thực sự là vấn đề cấp bách của DN. Điều đó bắt buộc các DN phải tự đổi mới mình để có thể đáp ứng được những chuẩn mực quốc tế, đồng thời bộ máy hành chính phải chuyển sang nền hành chính phục vụ để đáp ứng tốt hơn đòi hỏi đó. Đây cũng là định hướng phát triển nền kinh tế dựa vào KHCN, hướng tới kinh tế tri thức.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.