Doanh nghiệp

Doanh nghiệp mong "hạn chế được nhiều chi phí không tên"

Hà Phong 12/09/2023 - 12:56

Ngày 12-9, Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa - Bộ Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp tổ chức đối thoại với chủ đề "Nâng cao hiệu quả, chất lượng tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp".


Tại hội nghị, các đại biểu cùng thảo luận, cho ý kiến về những khó khăn, bất cập của các quy định pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh…; đề xuất giải pháp xây dựng một hành lang pháp lý hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật liên quan đến doanh nghiệp...

12-9-anh.jpg

Theo bà Nguyễn Thị Minh Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội nữ doanh nhân doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Âu Việt, hệ thống pháp luật hiện còn có nội dung bất cập so với thực tế. Bà Nguyễn Thị Minh Thanh bày tỏ: "Chúng tôi mong muốn các quy định pháp luật mang tính thực thi cao, đi vào hệ thống doanh nghiệp một cách đơn giản, cụ thể, để doanh nghiệp hạn chế được nhiều chi phí không tên".

Đề cập cụ thể hơn, ông Phan Lâm- Viện Nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế ASEAN cho rằng, để doanh nghiệp tuân thủ pháp luật thì quan trọng phải có hành lang pháp lý thông thoáng, kiến tạo cho doanh nghiệp phát triển, hội nhập quốc tế. Đơn vị quản lý, giám sát doanh nghiệp thực thi pháp luật phải kịp thời "gỡ vướng", hỗ trợ doanh nghiệp.

"Chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật, có chế tài đủ mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ có trách nhiệm trong giải quyết công việc, giải quyết các yêu cầu của doanh nghiệp", ông Phan Lâm đề xuất.

Ở chiều ngược lại, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Tú khẳng định, tuân thủ pháp luật là trách nhiệm của nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Thực tế, tuân thủ làm gia tăng chi phí với doanh nghiệp trong ngắn hạn. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần liên tục cập nhật và tuân thủ nghiêm pháp luật. Hiện tuân thủ pháp luật là điều kiện tối thiểu để doanh nghiệp phát triển và bước ra thế giới. Các Hiệp định thương mại tự do đặt ra những yêu cầu cao hơn về một số vấn đề, trong đó có môi trường. Vì vậy, Chính phủ, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện các lỗ hổng, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp hành trang pháp lý để tự tin bước ra và khẳng định trên thị trường quốc tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp mong "hạn chế được nhiều chi phí không tên"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.