(HNM) - Là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới, Việt Nam đang, đã thu hút nhiều tập đoàn phân phối quốc tế. Cùng với đó là sự phát triển của mạng lưới trung tâm thương mại, siêu thị, nhất là tại các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội.
Trong bối cảnh đó, để làm chủ thị trường, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ trong nước cần nỗ lực trong xây dựng chiến lược kinh doanh, nâng cao năng lực quản lý... Nếu các DN ngừng lại sẽ đồng nghĩa với tụt hậu.
Khách hàng lựa chọn sản phẩm tại Hapro mart Giảng Võ. Ảnh: Chí Lâm
Theo đại diện một số DN có hệ thống bán lẻ, để phát triển hệ thống bán lẻ trong nước, các ngành chức năng cần có chính sách hỗ trợ, trước hết là vốn, đồng thời có quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực để lãnh đạo DN có kiến thức quản lý và có tầm nhìn chiến lược. Bên cạnh đó, cũng cần sớm xây dựng văn bản pháp luật, chính sách phát triển hệ thống phân phối và bán lẻ đồng bộ; nghiên cứu và đưa ra các biện pháp hỗ trợ DN thực hiện chương trình sản xuất, tiêu dùng nội địa, xử lý nghiêm các trường hợp thao túng thị trường; tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại... nhằm tạo sự cạnh tranh bình đẳng cho DN. Các DN phân phối bán lẻ trong nước cần chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực có tính chuyên nghiệp hóa cao. Làm được như vậy, các DN trong nước sẽ thuận lợi hơn khi khai thác lợi thế "sân nhà", mở rộng hệ thống phân phối bán lẻ và thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Ngoài ra, cần phải có sự phối hợp giữa nhà sản xuất và phân phối. Việc phát triển các TTTM và siêu thị là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế. Đây vừa là cầu nối ngắn nhất giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, vừa là kênh quảng bá sản phẩm thương hiệu Việt hiệu quả. Tuy nhiên, để các TTTM, siêu thị phát triển bền vững, thực sự trở thành kênh phân phối ngắn nhất giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, khuyến khích người Việt dùng hàng Việt, thì giữa nhà sản xuất và phân phối phải có sự phối hợp đồng bộ, đôi bên cùng có lợi.
Tại thị trường Hà Nội, hệ thống TTTM và siêu thị hiện nay phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, do vậy cơ hội cho nhà sản xuất tiếp cận đến kênh phân phối này bị hạn chế. Vì thế, thời gian tới Hà Nội cần tập trung phát triển các chợ thành TTTM và siêu thị, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho DN sản xuất. Ngoài những vấn đề nêu trên, điều cốt lõi ở đây cần được quan tâm là việc nâng cao năng lực quản lý để DN đứng vững trên thị trường, cũng như việc cạnh tranh đạt hiệu quả. Bởi, yếu tố tạo nên sức mạnh cho các DN bán lẻ trong nước là liên kết với các nhà sản xuất trực tiếp cung cấp các sản phẩm cho mình, đồng thời phải nâng cao năng lực quản lý, đủ mạnh trong tất cả các lĩnh vực để trụ vững trên thị trường. Vì thế, các DN cần xây dựng chiến lược phát triển riêng, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh. Nhà nước cần sớm hoàn thiện hệ thống chính sách trong phân phối và bán lẻ nhằm tạo "sân chơi" lành mạnh cho các DN, trên cơ sở đó hạn chế việc thao túng thị trường; buôn lậu, làm hàng giả và gian lận thương mại…
Hiện nay, hầu hết các nhà đầu tư đang từng bước chuyên nghiệp hóa lĩnh vực hoạt động của mình, tuy nhiên họ vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như năng lực cạnh tranh của từng DN còn yếu vì đại bộ phận các DN có quy mô nhỏ, trình độ quản lý thấp, phương thức kinh doanh chưa tiên tiến, chiến lược kinh doanh chưa được quan tâm đúng mức, tính chuyên nghiệp trong hoạt động quản lý, đầu tư, nhất là quản trị DN và nguồn nhân lực thích hợp chưa cao, dịch vụ chăm sóc khách hàng còn nhiều hạn chế. Tính liên kết giữa các DN yếu, như liên kết giữa nhà sản xuất - nhà bán buôn - nhà bán lẻ; liên kết giữa nhà bán buôn với nhà bán buôn, nhà bán lẻ với nhà bán lẻ; liên kết giữa nhà phân phối với các nhà cung ứng dịch vụ ngân hàng… Đặc biệt, các DN bán lẻ trong nước không được "ngủ quên" trong cuộc cạnh tranh giành thị phần, vì ngừng lại sẽ là tụt hậu. Hiện nay, ranh giới giữa bán buôn và bán lẻ đã không còn cách biệt, nên một số DN bán lẻ đã xây dựng nhãn hàng riêng của mình. Có không ít DN không chỉ "phòng thủ" trên sân nhà, mà còn "tấn công" sang một số thị trường khác với mục đích tìm sự hợp tác để liên kết mở rộng ngành bán lẻ sang các nước.
Mức sống, văn hóa tiêu dùng và văn minh thương mại được thể hiện nhiều qua thị trường bán lẻ, vì thế để thị trường bán lẻ trong nước phát triển, các DN cần hợp tác, liên kết để cùng nỗ lực xây dựng một thị trường bán lẻ có hiệu quả, văn minh và hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.