Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp công ích Thủ đô: Ưu tiên nâng cao chất lượng phục vụ cộng đồng

Khánh Ly| 28/09/2013 06:54

(HNM) - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng khẳng định, bên cạnh việc sắp xếp lại DN, TP sẽ ưu tiên nguồn vốn ngân sách góp sức cùng DN nâng cao chất lượng phục vụ cộng đồng.


- Hiện tại, các DN cung ứng dịch vụ công ích trên địa bàn Hà Nội đã chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên (MTV) và thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng kinh tế với TP. Phó Chủ tịch đánh giá thế nào về hiệu quả của DN sau khi chuyển đổi?

- Sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động, các DN công ích được chuyển từ cơ chế giao kế hoạch sang đặt hàng theo nhiệm vụ TP giao, chất lượng phục vụ nhân dân và đời sống của người lao động tại DN đã được quan tâm, cải thiện rõ rệt. Trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đóng vai trò chủ đạo với sản lượng vận chuyển xe buýt nội đô trên 400 triệu lượt hành khách/năm, trên 1 triệu lượt hành khách/ngày, đáp ứng trên 90% năng lực VTHKCC bằng xe buýt của TP, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân và xây dựng Thủ đô văn minh, an toàn. Trong lĩnh vực môi trường đô thị và chiếu sáng công cộng, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị đã bảo đảm thu gom, xử lý rác thải với công suất khoảng 4.000 tấn rác, 1.700m3 nước rác/ngày đêm. Công ty TNHH MTV Chiếu sáng đô thị đáp ứng tốt nhiệm vụ trang hoàng, bảo đảm cảnh quan cho Thủ đô, đặc biệt là vào dịp lễ, tết. Lĩnh vực cấp, thoát nước với hai đơn vị là Công ty Nước sạch Hà Nội và Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã cung ứng 650.000 - 700.000m3 nước sạch/ngày đêm cho người dân và góp phần quan trọng trong việc xử lý úng, ngập trên toàn TP… Sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động, bên cạnh việc hoàn thành tốt nhiệm vụ được TP đặt hàng, các DN đã chủ động đào tạo nâng cao tay nghề, chăm lo đời sống của CBCNV, bảo đảm quyền lợi của người lao động theo đúng các quy định hiện hành.

Thời gian tới, thành phố sẽ ưu tiên ngân sách để góp sức cùng các doanh nghiệp nâng cao chất lượng phục vụ cộng đồng. Ảnh: Bảo Kha


- Một bất cập đang xảy ra hiện nay là giá một số dịch vụ công ích trên địa bàn đã quá lạc hậu với thực tế. Đơn cử, giá mỗi mét khối nước sạch không bằng một chai nước khoáng, gây nhiều khó khăn cho DN, ông nhận xét gì về điều này?

- Việc xây dựng định mức và khung giá cho hoạt động sản suất lưu thông và kinh doanh nước sạch phụ thuộc vào các quyết định do Bộ Xây dựng, Tài chính, Nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định. Thực hiện chỉ đạo của UBND TP, năm 2012, liên ngành Xây dựng, Tài chính, Lao động - Thương binh và xã hội đã rà soát quy trình, định mức sản xuất nước sạch của Công ty Nước sạch Hà Nội. Kết quả cho thấy, tất cả các chỉ tiêu quy định so với thực tế có sự chênh lệch rất lớn. Liên ngành TP đã có văn bản báo cáo bộ Xây dựng, đề nghị cho phép áp dụng định mức riêng trên địa bàn và đã được chấp thuận. Đối với khâu lưu thông phân phối, năm 2012, Bộ Xây dựng đã rà soát quy trình sản xuất của Công ty Nước sạch Hà Nội nhằm xây dựng định mức phù hợp với thực tế và cũng đã được chấp thuận. Trên cơ sở này, các sở, ngành của TP đã xây dựng phương án điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch với phương án giá mới, đã tính đến sự thay đổi các yếu tố đầu vào của DN, đồng thời cân nhắc khả năng chi trả của người dân cũng như tác động đến chỉ số giá tiêu dùng. UBND TP đang cân nhắc mức độ điều chỉnh giá nước sạch phù hợp, bảo đảm thực hiện được các mục tiêu nêu trên, đồng thời giảm dần trợ giá từ ngân sách nhà nước.

Phí vệ sinh hiện thu theo mức tối đa theo quy định của Bộ Tài chính (3.000 đồng/người/tháng hoặc không quá 20.000 đồng/hộ/tháng; hộ kinh doanh, trường học, đơn vị sự nghiệp: không quá 100.000 đồng/đơn vị/tháng). Song do thực tế chi phí như tiền lương tối thiểu, vật tư có nhiều thay đổi, để bảo đảm cho DN hoạt động có hiệu quả và giảm chi ngân sách nhà nước, UBND TP đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính cho phép áp dụng mức thu cao hơn 1-3 lần mức tối đa theo quy định. Dự kiến, TP sẽ trình đề án phí vệ sinh tại kỳ họp HĐND vào cuối năm 2013 để xem xét, quyết định.

- UBND TP đang tích cực đổi mới, sắp xếp lại DN cung ứng dịch vụ công ích, đồng thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ DN thực hiện tốt nhiệm vụ. Xin ông cho biết thêm về vấn đề này?

- Theo kế hoạch sắp xếp, đổi mới DN 100% vốn nhà nước thuộc UBND TP Hà Nội giai đoạn 2012-2015, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ thực hiện cổ phần hóa (CPH) bộ phận một số DN làm nhiệm vụ cung ứng sản phẩm công ích, gồm: Xí nghiệp xây lắp, Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Hoàn Kiếm (thuộc Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội); Công ty TNHH MTV Bến xe Hà Nội và 6 xí nghiệp: Kinh doanh tổng hợp Hà Nội, Toyota Hoàn Kiếm, Xe khách Nam Hà Nội, Hạ tầng vận tải công cộng, Xe buýt Hà Nội, Xe điện Hà Nội (thuộc Tổng Công ty vận tải Hà Nội). Các Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, Chiếu sáng và Thiết bị đô thị Hà Nội, Công viên cây xanh, Công viên Thống Nhất, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội sẽ thực hiện CPH, Nhà nước chiếm giữ trên 50% vốn điều lệ trong giai đoạn 2016-2020.

Đánh giá toàn diện hoạt động của DN công ích thời gian qua có thể nhận thấy, DN mang tính chất phúc lợi xã hội, phục vụ cộng đồng với lợi nhuận thấp. TP đã thực hiện xã hội hóa một số lĩnh vực như: vận tải hành khách công cộng, trông giữ phương tiện, cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường… Song các đơn vị cung ứng dịch vụ công ích thuộc các thành phần kinh tế ngoài nhà nước thường tập trung vào mục tiêu lợi nhuận, xao nhãng nhiệm vụ chính trị - xã hội và lợi ích cộng đồng. Thái độ tuân thủ quy định về quản lý của những đơn vị này cũng chưa tốt, gây nhiều bức xúc trong dư luận. Điển hình là việc cạnh tranh thiếu lành mạnh trong vận tải hành khách liên tỉnh, thu phí trông giữ xe vượt quá quy định, lấn chiếm lòng lề đường để trông giữ xe, khắc phục sự cố cấp nước thiếu kịp thời… Thực tế này cho thấy, cần phải duy trì vai trò của DN nhà nước trong lĩnh vực công ích và hoạt động theo mô hình Nhà nước nắm vai trò chủ đạo tại công ty mẹ. Các công ty con có thể thay đổi cho phù hợp với thực tiễn, với sự tham gia của các cổ đông ngoài nhà nước nhằm đóng vai trò phản biện, hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của DN nhà nước.

Để tháo gỡ khó khăn cho DN, Thành ủy, UBND TP sẽ hỗ trợ lãi suất tiền vay sau đầu tư, vay kinh doanh và ưu tiên một phần ngân sách để đầu tư cơ sở hạ tầng, góp phần cùng DN nâng cao chất lượng phục vụ. Riêng năm 2012, TP đã đầu tư 513 tỷ đồng vốn ngân sách và sẽ tiếp tục đầu tư thêm 1.161 tỷ đồng từ nay đến năm 2014 cho hệ thống mạng truyền dẫn và phân phối nước sạch; 124 tỷ đồng xây dựng, cải tạo các trạm bơm, nạo vét kênh mương, hồ, phục vụ tưới tiêu nước trong nông nghiệp và góp phần chống úng. Định mức đơn giá tiêu thụ nước sạch, vé vận tải hành khách công cộng, phí vệ sinh sẽ sớm được rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp công ích Thủ đô: Ưu tiên nâng cao chất lượng phục vụ cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.