Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp chậm cổ phần hóa: "Siết" trách nhiệm người đứng đầu

Đức Anh| 20/05/2017 06:44

(HNM) - Bốn tháng đầu năm, mới có 9 doanh nghiệp nhà nước được phê duyệt phương án cổ phần hóa và chưa đáp ứng yêu cầu...


Bộ Xây dựng hiện vẫn nắm giữ 97% vốn tại Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama).


Cổ phần hóa chậm, vì sao?

Theo Bộ Tài chính, trong 4 tháng đầu năm 2017, đã có 9 doanh nghiệp (DN) được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH). Tổng giá trị thực tế của 9 DN là 2.468 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN là 564 tỷ đồng. Các đơn vị cũng đã thoái được 3.101 tỷ đồng, thu về 14.299 tỷ đồng. Trong đó, thoái vốn tại 5 lĩnh vực nhạy cảm (bất động sản, chứng khoán, tài chính ngân hàng, bảo hiểm và quỹ đầu tư) được 35,8 tỷ đồng, thu về 36,3 tỷ đồng; thoái vốn đầu tư ở doanh nghiệp khác thu về 2.073 tỷ đồng. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng đã bán vốn tại 16 DN, thu về 12.190 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, trong năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và các DN đã tích cực thực hiện đẩy mạnh CPH DN và đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, tiến độ sắp xếp, CPH còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu và kế hoạch đề ra. Nguyên nhân là do đối tượng CPH, thoái vốn trong giai đoạn này chủ yếu là tại các DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp. Vì vậy, cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý, kiểm toán nhà nước trước khi công bố giá trị DN.

Trên thực tế, việc bàn giao các DN đã CPH về SCIC còn chậm. Nhận xét về tiến độ CPH chậm, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, chủ trương và nền tảng chính sách quy định về CPH cơ bản đầy đủ. Tuy nhiên, khi triển khai trên thực tế, quá trình này lại gặp lực cản từ nhiều phía khác nhau. Ngay trong bộ máy nhân sự của DN đã có “vấn đề”. Đó là những người làm công tác quản lý có tâm lý chây ì, không muốn thực hiện CPH để “giữ ghế”, trong khi đó, người lao động cũng chưa hào hứng với CPH. Quan trọng hơn là lâu nay, đã có hiện tượng lợi ích nhóm chi phối CPH. Ngoài ra, chúng ta còn gặp một số trục trặc khác như: Khó tìm tư vấn phục vụ CPH, khó xác định giá trị DN, nhiều DN quy mô lớn với mức độ phức tạp cao...

Tăng cường giám sát để đẩy nhanh tiến độ

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ năm, khóa XII vừa qua, Trung ương Đảng đã xác định: Tập trung phát triển kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, giai đoạn tới, DN cần tăng trách nhiệm giải trình, đưa văn hóa quản trị theo hướng mở, minh bạch hơn. Đặc biệt, việc DN công khai thông tin là vô cùng cần thiết bởi đây là kênh quan trọng để cơ quan chức năng, người dân có thể tăng cường quản lý, giám sát hoạt động của DN.

Để đẩy mạnh CPH, thoái vốn trong giai đoạn tới, Bộ Tài chính mới đây đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 2-2-2017 về đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới DN nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. Tại chỉ thị, Thủ tướng đã phân công cụ thể phần việc theo từng quý cho các đơn vị từ việc hoàn thiện cơ chế chính sách đến tổ chức thực hiện. Trong quá trình triển khai, Thủ tướng cũng yêu cầu xử lý nghiêm người đứng đầu nếu để xảy ra chậm tiến độ, thất thoát tài sản... khi tiến hành CPH.

Tuy nhiên, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ CPH, một trong những vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay là việc thoái vốn tại các DN lớn như Vinamilk, Sabeco và Habeco. Bởi dù đã có chỉ đạo “Chính phủ không bán bia, bán sữa” của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, song quá trình thoái vốn tại những DN này vẫn diễn ra khá chậm.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành cho rằng, bộ chủ quản các DN trên đều có tâm lý chung là muốn giữ những “con gà đẻ trứng vàng” để CPH, chứ không hề muốn thoái vốn. Tuy nhiên, đưa các DN này về SCIC quản lý vẫn là khuynh hướng phù hợp, hiệu quả hơn. Bởi thực tế cho thấy, nếu để các bộ quản lý và thực hiện thoái vốn “ông con” vốn mang lại nguồn thu lớn thì nhiều khó khăn sẽ nảy sinh. Tuy nhiên, để bàn giao các DN về SCIC quản lý, bản thân các DN này phải chứng minh được năng lực. Đồng thời, trong quá trình thoái vốn vẫn cần sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa SCIC và các cơ quan chủ quản DN để đạt hiệu quả cao nhất.

Sở Tài chính Hà Nội cho biết, giai đoạn 2016-2020, thành phố có kế hoạch cổ phần hóa 16 DN, gồm 5 tổng công ty, 4 công ty mẹ và 7 công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước trực thuộc UBND thành phố. Trong đó, có các Tổng công ty: Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị - UDIC, Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội - Handico, Vận tải Hà Nội - Transerco, Thương mại Hà Nội - Hapro và Du lịch Hà Nội. Các công ty mẹ là Công ty TNHH một thành viên gồm: Chiếu sáng và Thiết bị đô thị, Nước sạch Hà Nội, Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội, Môi trường đô thị Hà Nội... Trong số 16 DN cổ phần hóa, Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội có số vốn chủ sở hữu lớn nhất, khoảng 4.000 tỷ đồng. UDIC cũng có số vốn chủ sở hữu khoảng 2.718 tỷ đồng...
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp chậm cổ phần hóa: "Siết" trách nhiệm người đứng đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.