(HNM) - Với sự tham dự của các nhà lãnh đạo 6 quốc gia thành viên gồm Arab Saudi, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Kuwait, Qatar, Oman và Bahrain, Hội nghị Thượng đỉnh Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) lần thứ 36 đã diễn ra ngày 10-12 tại thủ đô Riyadh của Arab Saudi.
Kéo dài không quá 24h, các nhà lãnh đạo "dầu lửa" đã tập trung thảo luận hàng loạt vấn đề "nóng" của khu vực thế giới đang thách thức các nền kinh tế thuộc GCC như giá dầu tiếp tục giảm mạnh, cuộc nội chiến tại Syria, khủng hoảng tại Yemen - quốc gia Arab - đang được GCC hậu thuẫn…
Tìm giải pháp cho nền kinh tế khi giá dầu giảm mạnh là trọng tâm của Hội nghị Thượng đỉnh GCC 36. |
Hội nghị diễn ra vào thời điểm lần đầu tiên trong gần 7 năm trở lại đây, giá dầu thô thế giới rớt xuống dưới ngưỡng 40 USD/thùng . Điều này lý giải vì sao tác động của giá dầu lại trở thành mối quan tâm lớn nhất của các nhà lãnh đạo GCC tại Hội nghị này. Không quá khó để nhận thấy giá dầu thế giới không ngừng biến động với chiều hướng đi xuống trong thời gian qua đã tác động như thế nào đến các nền kinh tế GCC. 6 quốc gia thành viên GCC hiện nắm giữ khoảng 30% trữ lượng dầu mỏ thế giới, trong đó, Saudi Arabia chiếm 15,7%, Kuwait 6% và UAE 5,8%. Sản lượng dầu mỏ của các nước GCC năm 2014 là 28,6 triệu thùng/ngày, tương đương 32,3% tổng sản lượng dầu mỏ toàn cầu.
Giá dầu trên thị trường thế giới giảm mạnh từ mức gần 114 USD/thùng hồi tháng 6-2014 xuống dưới 50 USD/thùng thời gian dài vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu từ dầu mỏ của các nước GCC, trong đó Oman và Bahrain bị ảnh hưởng nhiều nhất. Dù Saudi Arabia, Kuwait, UAE và Qatar là những nền kinh tế có sức chống đỡ tốt hơn, song cũng không thoát khỏi tác động tiêu cực của giá dầu. Nhiều tổ chức kinh tế đưa ra nhận định rằng, tăng trưởng GDP của các nền kinh tế GCC chỉ đạt 3,4% trong năm nay và 3,7% năm tới, thấp hơn so với các năm trước. Trong bối cảnh giá dầu được dự báo có thể sẽ tìm đáy 20 USD/thùng thì việc đa dạng hóa nền kinh tế - bớt phụ thuộc vào dầu mỏ - là khuyến nghị của nhiều chuyên gia và được các nhà lãnh đạo GCC tham dự Hội nghị đặc biệt quan tâm và tập trung bàn thảo.
Sau hơn một thập kỷ đạt thặng dư ngân sách lớn nhờ giá dầu cao, năm 2015 các quốc gia GCC có thể đối mặt với thâm hụt ngân sách kỷ lục và đà sụt giảm có thể còn tiếp tục trong những năm tới. Một số quốc gia đã phải cắt giảm trợ cấp xã hội, trong khi các nước khác đang cân nhắc giảm chi tiêu công. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các quốc gia GCC (90% nguồn thu ngân sách dựa vào thu nhập từ dầu mỏ) chỉ đạt thặng dư ngân sách 24 tỷ USD trong năm 2014. Dự kiến năm 2015, các nước này sẽ thâm hụt ngân sách ở mức kỷ lục 180 tỷ USD. Nếu tiếp tục đối mặt với nguồn cung dồi dào và lượng cầu yếu như hiện nay, thâm hụt ngân sách của các nước GCC sẽ vượt mức 1.000 tỷ USD trong 5 năm tới. Do thu nhập giảm, các nước thành viên GCC đã áp dụng nhiều biện pháp cắt giảm chi tiêu và tăng thu nhập ngoài dầu lửa. Song, IMF cho rằng các biện pháp được đưa ra là chưa đủ mạnh nên các quốc gia GCC cần tập trung cải cách, giải quyết thất nghiệp và đa dạng hóa nền kinh tế.
Cùng bàn thảo về giá dầu giảm, các nhà lãnh đạo 6 quốc gia giàu có tại Vùng Vịnh còn dành nỗ lực để tìm kiếm giải pháp cho tiến trình hòa bình Trung Đông, trọng tâm là nền hòa bình Palestine - Israel; xử lý quan hệ với Iran và thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Lybia; đồng thời tìm giải pháp cho cuộc xung đột tại Yemen trong bối cảnh liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu đang tham chiến chống lực lượng Houthi ở nước này. Với tư cách nước chủ nhà của GCC 36, Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz trong phát biểu khai mạc đã nhấn mạnh: Sự đoàn kết của các thành viên trong khối là nhân tố quan trọng để chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài. Theo Quốc vương Salman bin Abdulaziz, Trung Đông đang phải đối mặt với một giai đoạn phát triển rất phức tạp. Vì thế, các thành viên GCC không còn lựa chọn nào khác là phải đoàn kết để đối phó với những thách thức hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.