(HNM) - Dù được xác định tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội cách đây hơn 11 năm, nhưng các đô thị vệ tinh vẫn chưa thể triển khai. Điều đó đặt ra yêu cầu cần được chỉ rõ nguyên nhân cũng như đánh giá lại tiềm năng và cơ hội thực hiện, nhất là trong bối cảnh đã có những định hướng lớn của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô.
Đô thị vệ tinh - chưa nhiều biến đổi
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011 xác định cấu trúc phát triển đô thị của Hà Nội theo mô hình chùm đô thị gồm “khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia". Theo đó, 5 đô thị vệ tinh gồm: Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai và Phú Xuyên, mỗi đô thị có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm về nhà ở, đào tạo, công nghiệp, dịch vụ...
Tuy nhiên, theo rà soát của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, cần tới 9 năm sau đó để hoàn thành quy hoạch chung các đô thị vệ tinh. Cụ thể, quy hoạch chung các đô thị vệ tinh Sóc Sơn, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên được phê duyệt năm 2015 và quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc được phê duyệt năm 2020. Theo kiến trúc sư Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch - Kiến trúc 1, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, việc chậm triển khai các đồ án quy hoạch phân khu đô thị tại các đô thị vệ tinh dẫn đến các đồ án quy hoạch chi tiết, các dự án đầu tư phát triển đô thị tại các khu vực này đều bị đình trệ. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến hầu hết đô thị vệ tinh đều cơ bản chưa có biến đổi.
Về hiện trạng sử dụng đất và phân bổ dân cư, theo số liệu của Chương trình Phát triển đô thị thành phố Hà Nội, các đô thị vệ tinh chậm chuyển biến, tỷ lệ đất nông nghiệp vẫn chiếm đa số. Hơn một nửa lao động trong các khu vực dự kiến hình thành đô thị vệ tinh vẫn đang hoạt động nông nghiệp. So sánh với tiêu chí cho khu vực phát triển đô thị, các chỉ tiêu về dân số, mật độ dân số, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp hiện nay tại các đô thị vệ tinh còn quá thấp.
“Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, các đô thị Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên được định hướng phát triển công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, chức năng đất công nghiệp tại các đô thị này hiện vẫn chiếm quy mô quá nhỏ so với mục tiêu đề ra. Tại một số đô thị còn có xu hướng phát triển ngược so với định hướng quy hoạch. Các tiêu chí đô thị trong vùng nội thị thấp hơn khu vực ngoại thị do các khu dân cư vẫn có xu thế phát triển mở rộng từ làng xóm hiện hữu, bám theo các tuyến đường hiện có”, kiến trúc sư Vũ Trung Hiếu, Trung tâm Quy hoạch - Kiến trúc 1, thông tin.
Cơ hội và triển vọng
Hiện nay, thành phố đang rà soát lại tính pháp lý các dự án từ thời điểm trước khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được duyệt. Những dự án phù hợp sẽ được triển khai tiếp. Bên cạnh đó, ngày 24-6-2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 61/2022/QH15 về “Tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030”. Theo kiến trúc sư Hoàng Long, đây là tín hiệu tốt với nhà đầu tư khi có cơ hội được thực hiện các dự án dang dở.
Lưu ý về cơ hội thực hiện các đô thị vệ tinh, kiến trúc sư Lê Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm Kiến trúc quy hoạch Hà Nội, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) nêu, mô hình phát triển theo chùm đô thị với 5 đô thị vệ tinh là giải pháp đúc kết từ kinh nghiệm của thế giới và dự báo bối cảnh trong tương lai. Đô thị vệ tinh được hình thành dựa trên chủ trương, các chiến lược đặc biệt, do đó khi đã xác định hình thành cần phải tập trung mọi nguồn lực và chính sách để phát triển.
Thời điểm hiện tại, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có định hướng “xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai)”. Định hướng này sẽ có tác động không nhỏ đến mô hình phát triển các đô thị vệ tinh. Theo kiến trúc sư Lã Hồng Sơn, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, giải pháp trong thời gian tới là kế thừa, phát huy tính ưu việt của mô hình chùm đô thị, đồng thời bổ sung trên cơ sở dữ liệu hiện trạng kinh tế, xã hội, nguồn lực đầu tư phát triển và tầm nhìn dài hạn cho sự phát triển của Thủ đô để dự báo các chỉ tiêu về dân số và phân bổ dân số phù hợp.
Trong quá trình lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, nhiều chuyên gia quy hoạch cùng kiến nghị, định hướng phát triển các đô thị vệ tinh cần được nghiên cứu phù hợp với phát triển thực tế cũng như các định hướng lớn của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô. Về lâu dài cần có các chính sách cụ thể tạo lập chính quyền đô thị để các đô thị vệ tinh thực sự có cơ hội hình thành và phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.