Theo dõi Báo Hànộimới trên

Định vị thương hiệu doanh nghiệp Việt trên sân chơi toàn cầu

Lam Giang| 20/04/2021 13:56

(HNMO) - Thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã ngày càng ý thức xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu một cách chuyên nghiệp, bài bản. Xây dựng thương hiệu đang trở thành “chìa khóa” để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước.

Lễ công bố Thương hiệu quốc gia 2020.

“Nâng hạng” nhờ tập trung xây dựng thương hiệu

Năm 2016, ngay khi cổ phần hóa, Công ty cổ phần Xuân Hòa Việt Nam đồng thời đặt mục tiêu định vị lại thương hiệu Xuân Hòa thông qua việc tập trung vào 3 lĩnh vực mũi nhọn gồm: Chú trọng phát triển công nghệ, nâng cao quản lý sản xuất và đầu tư cho con người.

Ông Lê Duy Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuân Hòa Việt Nam cho biết, Xuân Hòa đã dành khoản đầu tư 2-3 triệu USD mỗi năm nhập dây chuyền tiên tiến từ các nước G7; đầu tư hơn 2 tỷ đồng mỗi năm để nâng cao trình độ nhân lực, đồng thời áp dụng phương thức quản lý tiêu chuẩn Nhật Bản. Nhờ đó, thương hiệu Xuân Hòa từng bước “nâng hạng” trong mắt khách hàng và đạt Thương hiệu quốc gia năm 2020. Doanh thu của công ty tăng trưởng hơn 20%/năm, gấp 3 lần mức tăng trưởng chung của ngành nội thất.

Để có thương hiệu tốt, Công ty cổ phần Xuân Hòa tập trung đầu tư dây chuyền sản xuất.

Với 10 năm hoạt động trong lĩnh vực thời trang trẻ em, Công ty cổ phần Thời trang K’s Closet cũng xác định mục tiêu trở thành thương hiệu thời trang trẻ em hàng đầu tại Việt Nam. Bà Nguyễn Hải Yến, Tổng Giám đốc công ty cho biết: “Chúng tôi lấy sự tin yêu của khách hàng bằng cách thông qua trải nghiệm của khách hàng về dịch vụ và sử dụng sản phẩm”. Nhờ chọn đúng hướng đi, đến nay, K’s Closet đã phát triển chuỗi 33 cửa hàng tại các tỉnh, thành phố, với hơn 200.000 khách hàng thường xuyên.

Thực tế, xây dựng thương hiệu đang trở thành “chìa khóa” để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước. Theo công bố của hãng định giá thương hiệu Brand Finance (Anh) cuối năm 2020, Việt Nam là một trong các quốc gia có mức tăng trưởng giá trị thương hiệu nhanh nhất thế giới. Giá trị thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam đạt 319 tỷ USD, tăng 29% so với năm 2019. Thứ hạng thương hiệu cũng tăng từ 42 lên 33.

Còn theo công bố danh sách 50 thương hiệu dẫn đầu ở các lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam năm 2020 của Forbes Việt Nam, trong tốp 10 có các tên tuổi quen thuộc, như: Viettel, Vinamilk, VNPT, Sabeco, Vinhomes, MobiFone, Masan Consumer, Vietcombank, FPT và Vincom Retail. Tốp 10 này chiếm 30% tổng giá trị thương hiệu của danh sách. Đứng đầu là Viettel với giá trị thương hiệu hơn 2,9 tỷ USD, vị trí thứ hai là Vinamilk giá trị thương hiệu hơn 2,4 tỷ USD...

Định vị thương hiệu Việt trên sân chơi toàn cầu

Rõ ràng, các doanh nghiệp Việt đã ngày càng ý thức với giải pháp xây dựng thương hiệu bài bản, đúng định hướng. Thương hiệu Việt đã ngày càng khẳng định, chinh phục thị trường trong và ngoài nước. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam cho biết, những năm gần đây, thứ hạng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện trên bảng xếp hạng thế giới và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh. Đây là kết quả từ những nỗ lực của Chính phủ về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, mở rộng các quan hệ song phương và đa phương, hỗ trợ xuất, nhập khẩu cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu.

Thương hiệu thời trang trẻ em "Made in Vietnam" K's Closet ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Đặc biệt, chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25-11-2003 hướng tới mục tiêu xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Tham gia chương trình, nhiều doanh nghiệp đã nâng cao ý thức về vai trò quan trọng của thương hiệu như là “chìa khóa” giúp gia tăng giá trị sản phẩm cũng như giá trị doanh nghiệp. Từ chỗ chỉ có 30 doanh nghiệp năm 2008, đến năm 2020, chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã có 124 doanh nghiệp, với 283 sản phẩm được công nhận, trong đó đã có nhiều thương hiệu đã gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới.

Theo Bộ Công Thương, tổng doanh thu của 124 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia là trên 1,4 triệu tỷ đồng, tổng doanh thu xuất khẩu đạt hơn 137.000 tỷ đồng, tổng nộp ngân sách nhà nước trên 200.000 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hơn 471.000 lao động. Các hoạt động xã hội của các doanh nghiệp này cũng đạt hơn 9.500 tỷ đồng. 

Về định hướng trong thời gian tới, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Trưởng ban Thư ký chương trình Thương hiệu quốc gia Vũ Bá Phú thông tin, chương trình sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức, kiến thức về xây dựng, quản trị thương hiệu, đồng thời tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp thông qua các hoạt động quảng bá sản phẩm, giúp sản phẩm Việt Nam nói chung và sản phẩm thương hiệu quốc gia nói riêng có vị thế tốt hơn trên “sân chơi” toàn cầu.

Để thương hiệu Việt ngày càng thăng hạng, theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần nghiên cứu áp dụng những công nghệ tiên tiến hiện đại nhất; đầu tư phát triển trung tâm nghiên cứu đưa ra thị trường sản phẩm chất lượng và quan tâm nhiều hơn đến bảo hộ sở hữu trí tuệ. Việc quảng bá sản phẩm của Việt Nam ra cộng đồng quốc tế rất cần sự chi tiết, kỹ càng, bài bản hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Định vị thương hiệu doanh nghiệp Việt trên sân chơi toàn cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.