(HNM) - Theo Bộ Công Thương, từ năm 2020 đến nay, trong tổng số gần 1,35 triệu bộ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi đã cấp, chỉ có gần 1.200 bộ C/O hải quan quốc gia, vùng lãnh thổ nhập khẩu yêu cầu xác minh lại xuất xứ. Đây là tỷ lệ rất thấp, cho thấy hầu hết lô hàng xuất khẩu đã đáp ứng tốt các điều kiện đặt ra.
Để có được kết quả trên, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn, phòng, chống gian lận xuất xứ hàng hóa và chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại; đồng thời chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm. Như việc Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) yêu cầu các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O tăng cường kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa, trong đó chú trọng hồ sơ, hàng hóa có nguy cơ gian lận xuất xứ cao, như: Linh kiện ô tô, các sản phẩm sắt, thép, máy móc, thiết bị điện…
Ngoài ra, danh sách các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, lẩn tránh thuế được Bộ cập nhật hằng quý. Hay các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến cũng được tăng cường kiểm tra. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp không trung thực trong kê khai, làm giả chứng từ để gian lận xuất xứ; tập trung vào nhóm hàng điện tử, một số loại hạt, tấm gỗ ghép...
Rõ ràng, sự mạnh tay của Bộ Công Thương là cần thiết, hiệu quả, nhưng chưa đủ. Bởi việc ngăn chặn, xử lý các hành vi gian lận xuất xứ đòi hỏi sự chung tay của nhiều bộ, ngành, đặc biệt, rất cần sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp trong việc không tiếp tay cho những hành vi gian lận. Nếu phát hiện các dấu hiệu vi phạm, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, ngăn chặn, tránh để hành vi của một vài đơn vị làm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu chân chính.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.