(HNMO) - Chiều 1-7, tại họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý II-2022, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Phạm Quốc Tuyến dành nhiều thời gian trả lời vấn đề các cơ quan báo chí nêu xung quanh Kết luận số 39/KL-TTr của Thanh tra Bộ Xây dựng về quy hoạch tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu - Nguyễn Thanh Bình và Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính (gọi tắt là Kết luận 39).
Cụ thể, sau hơn 2 năm thực hiện thanh tra, một số nội dung Kết luận 39 nêu: Điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, không thuộc trường hợp được điều chỉnh; chỉ tiêu quy hoạch đồ án phê duyệt sau không phù hợp đồ án phê duyệt trước; các đồ án quy hoạch phân khu cập nhật không đúng quy hoạch chi tiết dự án và dự án đầu tư; điều chỉnh cục bộ quy hoạch, tổng mặt bằng không thuộc trường hợp được điều chỉnh; vi phạm quy định Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị; điều chỉnh quy hoạch và tổng mặt bằng nhiều lần làm thay đổi định hướng quy hoạch đã xác định trước đây; quá trình làm điều chỉnh quy hoạch chưa tuân thủ các quy định…
Trục Lê Văn Lương luôn được xác định là xây dựng trục cao tầng
Trả lời các câu hỏi báo chí nêu, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã thông tin về tuyến đường Lê Văn Lương qua các thời kỳ. Theo đó, đây là tuyến đường được hình thành từ lâu, có tính chất thay đổi qua nhiều thời kỳ và đặc biệt là sau khi xây dựng cầu Hòa Mục năm 1998, hình thành tuyến đường trục xuyên tâm từ thành phố Hà Nội tới tỉnh Hà Tây (cũ).
Qua các thời kỳ từ năm 2002 đến nay, trục Lê Văn Lương luôn được xác định là xây dựng trục cao tầng. Để triển khai chỉnh trang các tuyến phố vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, phù hợp với định hướng mới sau khi hợp nhất, UBND thành phố Hà Nội đã báo cáo và được Bộ Xây dựng thống nhất điều chỉnh chiều cao theo hướng nâng thêm chiều cao các công trình tại đây.
Nội dung định hướng cao tầng này cũng đã được cập nhật vào Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 27-6-2011.
"Mặt khác, các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc tại các dự án không vượt các chỉ tiêu khống chế về hạ tầng khung, chỉ tiêu khống chế quy hoạch kiến trúc tại quy hoạch phân khu, đồng nghĩa với việc vẫn đảm bảo yêu cầu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đã xác định tại quy hoạch phân khu được duyệt”, ông Phạm Quốc Tuyến nêu.
Ngoài ra, với các định hướng tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch phân khu, việc UBND thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết năm 2016 cũng như giải quyết các dự án theo hướng tập trung cao tầng tại đây phù hợp với ý kiến Bộ Xây dựng đã thỏa thuận và chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố qua các thời kỳ và định hướng tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội. Do đó, kết luận cao tầng gây quá tải, thiếu trường học nhà trẻ, giảm tiện ích… tại một số dự án là chưa thỏa đáng.
Kết luận chưa tính đến các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô
Thông tin về điều kiện điều chỉnh quy hoạch, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến Trúc nêu, trục Lê Văn Lương được phê duyệt quy hoạch năm 2002. Năm 2008, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/ QH12, ngày 29-5-2008 của Quốc hội khóa XII “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”,Hà Nội hợp nhất với tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung (thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình).
Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch chung tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg, thay thế Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20-8-1998.
Tiếp đó, thực hiện việc "giải cứu" thị trường bất động sản theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7-1-2013 của Chính phủ, điều chỉnh phục vụ đấu giá, Quy chuẩn xây dựng Việt Nam năm 2008 ban hành thay thế Quy chuẩn xây dựng 1997, đối chiếu với quy định của Luật Xây dựng 2003, Luật Quy hoạch đô thị 2009, việc điều chỉnh quy hoạch tại khu vực tuyến Lê Văn Lương - Tố Hữu - Nguyễn Thanh Bình là đảm bảo phù hợp.
Do vậy, việc Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết, quy hoạch tổng mặt bằng, phương án kiến trúc không thuộc trường hợp điều chỉnh là chưa áp dụng đúng quy định Luật Xây dựng 2003, Luật Quy hoạch đô thị 2009, các quy định liên quan khác, chưa tính đến các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong suốt giai đoạn này.
Lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cũng nêu các dẫn chứng, thể hiện quan điểm Kết luận 39 của Thanh tra Bộ Xây dựng nêu khoảng 15 dự án điều chỉnh nhiều lần là chưa chính xác, bởi cách hiểu các lần điều chỉnh chưa đúng quy định của Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị.
“Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đang nghiêm túc triển khai thực hiện nội dung kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng. Đối với các nội dung kết luận còn chưa thống nhất, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội sẽ báo cáo UBND thành phố, cơ quan liên quan và có kiến nghị gửi Thanh tra Bộ Xây dựng trong thời hạn 60 ngày theo đúng quy định của Luật Thanh tra”, ông Phạm Quốc Tuyến khẳng định.
Phát biểu họp báo, liên quan đến nội dung trên, ông Trương Việt Dũng, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn UBND thành phố Hà Nội nêu, kết luận thanh tra đang được thực hiện. UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng và các đơn vị liên quan xây dựng báo cáo giải trình. UBND thành phố sẽ sớm xem xét, dự kiến hoàn tất báo cáo kết quả thực hiện trong vòng 60 ngày theo như kết luận thanh tra. Sau buổi làm việc với Bộ Xây dựng, Thanh tra Bộ Xây dựng, thành phố sẽ tổ chức thông tin chính thức, toàn diện, tổng thể đến các cơ quan báo chí.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.