Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điều chỉnh luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh: Mục tiêu hàng đầu là giảm ùn tắc giao thông

Tuấn Lương thực hiện| 25/11/2016 07:28

(HNM) -

Một số luồng tuyến đi, đến Bến xe Mỹ Đình sẽ được điều chuyển. Ảnh: Thái Hiền


Ngay sau khi được UBND thành phố thống nhất về nguyên tắc, Sở tiếp tục xây dựng phương án chi tiết để báo cáo Bộ GT-VT làm cơ sở triển khai. Việc sắp xếp, điều chuyển luồng tuyến VTHK sẽ đặt mục tiêu giảm ùn tắc giao thông lên hàng đầu" - Phó Giám đốc Sở GT-VT Hà Huy Quang khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn Báo Hànộimới về vấn đề này.

- Thưa ông, vì sao Hà Nội phải tiếp tục sắp xếp, điều chỉnh luồng tuyến VTHK liên tỉnh? Việc này có phù hợp với quy hoạch chi tiết (QHCT) đã được Bộ GT-VT phê duyệt?

- Theo Quyết định số 2288/QĐ-BGTVT (ngày 26-6-2015) và Quyết định số 3848/QĐ-BGTVT (ngày 29-10-2015) của Bộ GT-VT phê duyệt QHCT tuyến VTHK cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, QHCT giữ nguyên hiện trạng các tuyến đang vận hành tại các bến xe trên địa bàn thành phố từ thời điểm năm 2014, với tổng số 668 tuyến đi - đến Hà Nội kết nối 5 bến xe của Thủ đô với 42 tỉnh, thành phố cả nước. Trong QHCT cũng bổ sung thêm 45 tuyến mới, nâng tổng số tuyến đến năm 2020 là 732 tuyến.

Đáng chú ý, trong quy hoạch có nêu, đối với các bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình giữ ổn định tần suất phương tiện hoạt động đến năm 2020, chỉ tăng cường vào các dịp lễ, Tết. Các tuyến mới đến năm 2020 chỉ được bổ sung vào các bến xe còn khả năng tiếp nhận như Gia Lâm, Nước Ngầm, Yên Nghĩa và các bến mới được đầu tư xây dựng. Định hướng bổ sung tuyến mới cũng ghi rõ: Đối với các tuyến đi - đến Hà Nội ưu tiên bố trí luồng tuyến đến, đi từ các tỉnh, thành phố vào các bến xe Hà Nội theo nhu cầu và theo hướng tuyến cũng như tính kết nối với mạng lưới giao thông... Như vậy, các tuyến VTHK liên tỉnh trên địa bàn thành phố đang thực hiện đúng QHCT đã được Bộ GT-VT phê duyệt.

Tuy nhiên, do tình hình phát triển đô thị nhanh chóng, lưu lượng phương tiện giao thông tăng nhanh trên một số tuyến đường, đặc biệt tuyến đường Vành đai 3 hiện rất ùn tắc khiến một số tuyến VTHK qua đây đã không còn phù hợp. Vì vậy, việc sắp xếp, điều chỉnh là cần thiết. Trên cơ sở thống nhất của liên ngành thành phố, Sở đã xây dựng dự thảo phương án tổng thể báo cáo UBND thành phố, cuối tháng 10-2016 đã được UBND thành phố chấp thuận nguyên tắc. Quan điểm của Hà Nội luôn nhất quán, việc điều chỉnh phải được thực hiện công khai, minh bạch, công bằng với mục tiêu số 1 là giảm ùn tắc giao thông.

- Ông có thể cho biết cụ thể hơn về phương án và lộ trình điều chỉnh luồng tuyến sắp tới?

- Để có phương án tối ưu, Sở GT-VT đã thành lập tổ công tác liên ngành, với sự tham gia của đại diện Bộ GT-VT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Phòng CSGT (Công an thành phố)... Qua rà soát, lấy ý kiến, Sở đề xuất phương án theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, điều chỉnh hành trình hoạt động của các tuyến VTHK liên tỉnh đi qua các điểm, tuyến ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm (thời gian thực hiện trong quý IV-2016). Theo đó, các tuyến đi theo đường Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến trong giờ cao điểm sẽ phải giảm lưu lượng và bẻ tuyến đi theo hướng khác. Giai đoạn 2, điều chỉnh hành trình các tuyến VTHK liên tỉnh đi qua các điểm, tuyến ùn tắc ban ngày (thực hiện trong quý I-2017). Giai đoạn 3, sẽ điều chỉnh các tuyến chưa phù hợp theo QHCT đã được phê duyệt (thực hiện trong quý II đến quý IV-2017). Hiện Sở GT-VT đang xây dựng phương án chi tiết từng giai đoạn.

- Có ý kiến cho rằng, việc vẫn để xe khách hoạt động xuyên tâm là "chống lệnh" điều chuyển một số xe khách từ Mỹ Đình về Nước Ngầm. Ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

- Tôi khẳng định không có chuyện Sở GT-VT Hà Nội "chống lệnh" UBND TP Hà Nội trong điều chuyển luồng tuyến. Trước đây, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo lập phương án và báo cáo Bộ GT-VT điều chuyển trước các tuyến đi 4 tỉnh gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, Gia Lai, Đắk Lắk từ Mỹ Đình về Nước Ngầm với tổng số 88 lượt xe/ngày. Đề xuất này đã được Bộ GT-VT đồng thuận về mặt chủ trương và đề nghị Hà Nội làm việc với các tỉnh liên quan để thống nhất khi phê duyệt điều chỉnh QHCT. Tuy nhiên, khi phương án này được công bố để lấy ý kiến, các tỉnh đã có ý kiến gửi Thủ tướng Chính phủ và một số nơi cho rằng phương án chưa hợp lý, đề nghị giữ ổn định các tuyến đang hoạt động.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng đã có Văn bản số 5972/VPCP-KTN (ngày 18-7-2016) giao UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở GT-VT xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Từ đó, Sở đã phối hợp cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu và nhận thấy việc điều chuyển trước các tuyến nói trên là chưa hợp lý mà cần phải có một phương án tổng thể đối với cả 39.817 chuyến/tháng. Tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp, ảnh hưởng tới nhu cầu đi lại của người dân và gây xáo trộn hoạt động kinh doanh vận tải. Do đó, chúng tôi phải chia rõ lộ trình và xác định còn nhiều việc phải làm, từ lên phương án hợp lý, hoàn chỉnh hành lang pháp lý làm cơ sở triển khai...

Với ý kiến cho rằng, Hà Nội vẫn để xe khách hoạt động xuyên tâm là có sự nhầm lẫn. Từ các tỉnh, thành phố về các bến xe của Thủ đô đều tuân thủ theo các hướng đường vành đai. Đây là tuyến vành đai để các tuyến, các hướng VTHK liên tỉnh tiếp cận sau đó mới đi vào các bến. Chỉ khi nào xe khách liên tỉnh từ các tuyến vành đai theo các đường hướng tâm vào nội đô thì mới gọi là xuyên tâm. Mà điều này Hà Nội đã hạn chế từ lâu nhằm giảm áp lực lên giao thông khu vực nội đô.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều chỉnh luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh: Mục tiêu hàng đầu là giảm ùn tắc giao thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.