Mức lương tối thiểu vùng sẽ được điều chỉnh tăng theo hướng đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp, việc phân vùng cũng sẽ được tính toán cụ thể. Các chuyên gia đánh giá việc điều chỉnh này là cần thiết và kịp thời.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân khẳng định như vậy tại Hội nghị lấy ý kiến về phương án điều chính mức lương tối thiểu vùng tổ chức ngày 6/7.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 6/2011, Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo Nghị định của Chính phủ về điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động trong các doanh nghiệp năm 2011 và 2012, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ký, ban hành trong tháng 7/2011 và áp dụng từ 1/10/2011.
Nhiều chuyên gia, lãnh đạo các địa phương và doanh nghiệp cho rằng đấy là chủ trương đúng đắn, hết sức kịp thời, cần thiết nhưng cũng cần có sự tính toán kỹ trước khi áp dụng.
Giải pháp cải thiện quan hệ lao động
Theo thống kê chưa đầy đủ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2011, cả nước xảy ra nhiều cuộc ngừng việc tập thể, đình công tại 23 tỉnh, thành phố. Một trong những lý do đình công là do mức lương trung bình của lao động hiện nay thấp, chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động.
Theo Phó trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Ngô Chí Hùng, chủ trương điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho các loại hình doanh nghiệp kể từ ngày 1/10/2011 của Chính phủ là chủ trương đúng đắn và hết sức cần thiết. Đây sẽ là giải pháp kịp thời để cải thiện quan hệ lao động, hạn chế tình trạng đình công ở các khu công nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết, việc tăng lương lần này căn cứ trên 4 tiêu chí: chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI), tốc độ tăng GDP, mặt bằng tiền lương và mức sống tối thiểu.
Đáng chú ý, theo đề xuất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, sẽ chỉ có một mức lương tối thiểu cho khối doanh nghiệp. Bước điều chỉnh tăng lương được đề xuất khá rộng: mức lương dự kiến theo các vùng từ 1,4 – 1,9 triệu đồng/ tháng, tăng từ 500.000 đến 570.000 đồng đối với doanh nghiệp trong nước; từ 300.000 đến 380.000 đồng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Thứ trưởng Phạm Minh Huân khẳng định, việc áp dụng mức lương tối thiểu chung là cần thiết bởi đây là một bước trong lộ trình hội nhập quốc tế, tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải có sự cạnh tranh quyết liệt hơn để đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đã tính toán đến lợi ích của các bên
Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Đặng Phương Dung cho rằng, doanh nghiệp trong bối cảnh lạm phát phải chịu chi phí đầu vào khá lớn. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng không tăng giá nhiều hoặc tỷ lệ tăng thấp hơn so với chi phí đầu vào thì doanh nghiệp có thể buộc phải thu gọn sản xuất và số người thất nghiệp sẽ tăng.
Về điều này, theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, điều chỉnh tiền lương sẽ buộc người sử dụng lao động phải tính toán tăng năng suất lao động để cân đối sản xuất.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh lương nói trên đã dựa trên quá trình khảo sát các doanh nghiệp và tính đến khả năng trả lương để đảm bảo không gây khó cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo tính toán sơ bộ, chi phí của những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động thuộc các ngành như dệt may, da giầy tăng khoảng 1,8 – 2%, những doanh nghiệp còn lại mức độ ảnh hưởng thấp hơn. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần có sự sẻ chia lợi ích và có giải pháp tiết kiệm các chi phí khác để thực hiện phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu.
Trưởng phòng Cơ chế chính sách, Ban Chính sách – Pháp luật, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Văn Tư nêu thực tế, việc trả lương cho người lao động của các doanh nghiệp vốn nước ngoài và doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước chủ yếu dựa vào tiền lương tối thiểu do Nhà nước quy định và một số khoản phụ cấp không đáng kể. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến ngừng việc tập thể do người lao động nhận thấy cách trả lương này là không thỏa đáng.
Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, lương tối thiểu phải được coi là mức “sàn” và các doanh nghiệp có trách nhiệm cần thỏa thuận với người lao động để chi trả mức lương hợp lý dựa trên mức sàn đó. Vai trò của công đoàn cần phải thực sự phát huy tác dụng để đảm bảo lợi ích hài hòa của các bên.
Về việc phân 4 vùng như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn một số bất cập. Đại diện Liên đoàn lao động tỉnh Lào Cai nêu ví dụ, địa bàn giáp ranh với các khu công nghiệp, hay các địa phương phát triển về du lịch cũng có mức sống tối thiểu không chênh lệch nhưng vẫn áp dụng mức lương theo tiêu chí phân vùng hiện nay.
Vì vậy, việc phân vùng cần được nghiên cứu và tính toán khoa học để có cách phân chia hợp lý, bám sát với sự phát triển kinh tế của các địa bàn. Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng, quan trọng địa phương nắm rõ tình hình và có đề xuất để thống nhất với Bộ.
Thứ trưởng Phạm Minh Huân cũng đề nghị các địa phương, doanh nghiệp sẽ có góp ý bằng văn bản gửi về Bộ chậm nhất là ngày 21/7 để Bộ tổng hợp trình Chính phủ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.