(HNM) - Từ hôm nay 1-10, giá nước sạch sinh hoạt sẽ được điều chỉnh tăng theo lộ trình 3 năm (kể từ ngày 1-10-2013). Với giá nước sinh hoạt mới, ước tính hộ dùng ở mức tối thiểu 10m3/tháng sẽ phải trả thêm 9.500 đồng tiền nước...
Mức tăng giá bình quân khoảng 19%
Theo quyết định phê duyệt lộ trình điều chỉnh giá nước, lần tăng giá này là lần thứ 3, cũng là lần cuối cùng của lộ trình 3 năm. Từ ngày 1-10, giá nước sinh hoạt tăng từ 5.020 đồng lên 5.973 đồng/m3 cho mức sử dụng 10m3 đầu tiên; từ 10 đến 20m3 tiếp theo, mức giá tăng từ 5.930 đồng lên 7.052 đồng/m3; mức 20-30m3, giá tăng từ 7.313 đồng lên 8.669 đồng/m3. Mức giá cao nhất với nước sinh hoạt áp dụng cho lượng nước sử dụng 30m3 trở lên là 15.929 đồng/m3 thay cho 13.377 đồng/m3 trước đó. Tương tự, giá nước áp dụng cho cơ quan hành chính sự nghiệp, dịch vụ công cộng tăng từ 8.381 đồng lên 9.955 đồng/m3; áp dụng cho đơn vị sản xuất tăng từ 9.796 đồng lên 11.615 đồng/m3; áp dụng cho đơn vị kinh doanh ngành dịch vụ từ 18.342 đồng lên 22.068 đồng/m3. Tất cả các mức giá trên đều chưa có thuế VAT và phí nước thải.
Việc điều chỉnh tăng giá nước nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất. Ảnh: Quốc Đạt |
Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, việc điều chỉnh tăng giá các mặt hàng thiết yếu, như nước sạch sinh hoạt, chắc chắn sẽ khiến dư luận băn khoăn và ít nhiều có ảnh hưởng đến đời sống người dân. Vì vậy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt lộ trình tăng giá nước trong vòng 3 năm, thay vì một lần, để giảm tác động tiêu cực. Cụ thể, từ tháng 9-2013, trên cơ sở đề nghị của liên ngành thành phố, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định điều chỉnh giá nước vào ngày 1-10 các năm 2013, 2014, 2015. Như vậy, cả đơn vị kinh doanh nước lẫn người sử dụng có sự chuẩn bị. Lần điều chỉnh này, với mức sử dụng tối thiểu 10m3/tháng, ước tính tiền nước phải chi trả tăng khoảng 9.530 đồng; nếu hộ dân sử dụng khoảng 15m3/tháng, tiền nước cũ phải trả khoảng 79.850 đồng, tiền nước áp giá mới phải trả 94.990 đồng/tháng. Chênh lệch tăng thêm 15.140 đồng/tháng là mức chấp nhận được. Theo tính toán của các đơn vị kinh doanh nước sạch, mức tăng giá bình quân lần này khoảng 19% và số hộ tiêu thụ 15m3/tháng chiếm khoảng 80% tổng số hộ sử dụng nước.
Tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất
Việc điều chỉnh giá nước lần này tạo điều kiện cho các công ty cấp nước chủ động kinh doanh, vay vốn để phát triển, mở rộng mạng lưới cấp nước cũng như thực hiện đầy đủ các quy định là bảo đảm giá nước được tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý trong quá trình sản xuất - phân phối, khuyến khích nâng cao chất lượng dịch vụ, góp phần tiết kiệm sử dụng nước. Công ty Nước sạch Hà Nội, một trong bốn đơn vị cung ứng nước trên địa bàn cho biết, giá nước nêu trên được tính toán trên cơ sở những yếu tố thay đổi chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế. Đơn cử, phí bảo vệ môi trường tăng 6 lần; chi phí tiền điện từ năm 2010 đến 2015 tăng bình quân 7,2 lần (bình quân 10%/năm).
Chi phí tiền lương từ 2009 đến 2015 tăng 7 lần (bình quân 30%/năm) và dự kiến tăng tiếp 12,4% năm 2016. Chi phí nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng theo giá thị trường khoảng 15%... Vì vậy, giá nước mới giúp công ty từng bước chủ động về tài chính, xã hội hóa nguồn vốn đầu tư cải tạo nâng cấp hệ thống cấp nước, nâng cao năng lực hoạt động, đặc biệt phát triển thêm nhà máy nước và hệ thống cấp nước cho khu vực còn thiếu nước sạch. Ngoài ra, công ty còn cải tạo mạng lưới cấp nước được xây dựng từ nhiều năm đã xuống cấp nghiêm trọng.
Vận hành thiết bị bơm nước tại Nhà máy nước thị xã Sơn Tây. Ảnh: Phương Dung |
Còn theo Công ty CP Viwaco, giá nước sạch tại Hà Nội so với một số địa phương vẫn còn thấp hơn. Giá nước cũ thường thấp hơn giá thành sản xuất nên thành phố phải bù lỗ cho đơn vị kinh doanh thông qua đầu tư hoặc chính sách ưu đãi. Khi giá bán đã tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý, đơn vị phải tự đầu tư. Đại diện doanh nghiệp cho biết, việc tăng giá nước sinh hoạt theo lộ trình, cơ bản ít xáo trộn với khách hàng. Điều quan trọng là giúp doanh nghiệp có điều kiện đầu tư hạ tầng, nâng cao dịch vụ.
Từ trước đến nay, có một thực tế là giá nước thấp hơn chi phí nên đầu tư phát triển là bài toán khó đối với doanh nghiệp. Không chỉ không có nguồn tái đầu tư mà kể cả vay vốn ngân hàng, doanh nghiệp cũng vướng vì dự án không có lãi, ngân hàng thẩm định không bảo đảm yêu cầu trả nợ. Hà Nội đứng trước nhu cầu phát triển nhanh, nhu cầu sử dụng nước tăng nhưng gần như không có nhà đầu tư nào "vào" lĩnh vực sản xuất nước sạch, vì giá bán không đủ chi phí, chưa nói đến lợi nhuận. Hầu hết dự án nguồn nước trên địa bàn dựa vào vốn ngân sách hoặc vay ưu đãi nên việc đầu tư khó đồng bộ, như mong muốn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.