Nước sạch là một trong những nhu cầu thiết yếu trong đời sống. Do đó, việc điều chỉnh giá nước luôn được các cấp chính quyền cân nhắc, thận trọng. Vậy nguyên tắc, phương pháp tính giá nước như thế nào?
Tính đúng, tính đủ
Sở Tài chính Hà Nội cho biết, quy định tính giá nước sạch được thực hiện theo Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11-7-2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch; Thông tư số 44/2021/TT-BTC ngày 18-6-2021 của Bộ Tài chính quy định khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt.
Cụ thể, Điều 51 Nghị định số 117/2007/NĐ-CP; Điều 2 Thông tư số 44/2021/TT-BTC quy định về nguyên tắc xác định giá nước sạch nêu rõ, giá nước sạch phải được tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí sản xuất hợp lý, hợp lệ trong quá trình khai thác, sản xuất, phân phối, tiêu thụ và có lợi nhuận; phù hợp với chất lượng nước, định mức kinh tế - kỹ thuật, quan hệ cung cầu về nước sạch, điều kiện tự nhiên, điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, khu vực, thu nhập của người dân trong từng thời kỳ; hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của đơn vị cấp nước sạch và khách hàng sử dụng nước; khuyến khích khách hàng sử dụng nước tiết kiệm; khuyến khích các đơn vị cấp nước nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm chi phí, giảm thất thoát, thất thu nước sạch, đáp ứng nhu cầu của khách hàng; thu hút đầu tư vào hoạt động sản xuất, phân phối nước sạch.
Thông tư số 44/2021/TT-BTC cũng quy định chi tiết về phương pháp xác định tổng chi phí sản xuất, kinh doanh nước sạch, trong đó có chi phí vật tư trực tiếp (hóa chất, điện năng,..); chi phí nhân công trực tiếp (tiền lương, bảo hiểm, ăn ca,..); chi phí sản xuất chung (khấu hao tài sản cố định, chi phí xét nghiệm nước); chi phí quản lý doanh nghiệp (chi phí nhân công của bộ máy quản lý, chi phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp, thuế tài nguyên, tiền cấp quyền khai thác nước, khám sức khỏe, bảo hộ lao động,...); chi phí bán hàng, đấu nối, lãi vay, chi phí an toàn cấp nước (chi phí cho các hoạt động nhằm giảm thiểu, phòng ngừa các nguy cơ, rủi ro gây mất an toàn cấp nước từ nguồn nước qua các công đoạn thu nước, xử lý, dự trữ và phân phối đến khách hàng).
Điều 4, Thông tư số 44/2021/TT-BTC về điều chỉnh giá nước sạch cũng nêu rõ: Hằng năm, đơn vị cấp nước chủ động rà soát việc thực hiện phương án giá nước sạch và giá nước sạch dự kiến cho năm tiếp theo. Trường hợp các yếu tố chi phí sản xuất, kinh doanh nước sạch biến động làm giá nước sạch năm tiếp theo tăng hoặc giảm, đơn vị cấp nước lập hồ sơ phương án giá nước sạch gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét quyết định điều chỉnh.
Thận trọng, kỹ lưỡng
Theo Sở Tài chính Hà Nội, căn cứ các quy định cụ thể, Sở Tài chính đã chủ trì, cùng các sở, ngành, doanh nghiệp cấp nước xây dựng phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố với mục tiêu: Bảo đảm cung- cầu nước sạch cho nhân dân; hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người dân; khuyến khích người dân sử dụng nước sạch tiết kiệm, hiệu quả; bảo đảm chính sách của Nhà nước về hạn chế việc khai thác nước ngầm và bổ sung nguồn nước mặt; nâng cao chất lượng nước sạch và thu hút các doanh nghiệp đầu tư.
Phương án giá và lộ trình điều chỉnh giá phù hợp với quy định, bảo đảm sự đồng thuận của doanh nghiệp, hạn chế ảnh hưởng tới người dân và đối tượng sử dụng nước sạch có liên quan. Đồng thời, có chính sách chỉ đạo kiểm tra chất lượng nước sạch và cơ chế hỗ trợ người dân thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách.
Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, việc xây dựng phương án điều chỉnh giá nước sạch đã được thành phố triển khai từ năm 2019. Tại Văn bản số 4450/UBND-ĐT ban hành ngày 8-10-2019, UBND thành phố đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, trong đó, Sở Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, rà soát Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND, đề xuất, báo cáo UBND thành phố điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch trên địa bàn; có phương án hỗ trợ về giá đối với các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách.
Thành phố cũng rất thận trọng, thấu đáo khi mời đơn vị tư vấn nghiên cứu xây dựng giá nước, thành lập tổ công tác thẩm định phương án giá nước sạch, mời các bộ, ngành, tổ chức nhiều cuộc hội thảo để đưa ra phương án tối ưu.
Là một trong những chuyên gia tham gia đóng góp ý kiến xây dựng phương án điều chỉnh giá nước sạch tại Hà Nội, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam Nguyễn Ngọc Điệp đánh giá: “Việc điều chỉnh giá và phương án giá, cùng với cách làm của Hà Nội rất thận trọng, thấu đáo, kỹ lưỡng và hết sức quan tâm đến đời sống người dân”.
Đánh giá về giá nước sạch hiện nay tại Hà Nội, cũng như thời gian 10 năm chưa thực hiện điều chỉnh, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam thẳng thắn bày tỏ: Mức giá này là thấp. Khảo sát của Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho biết, hiện giá bán nước sạch bình quân của nhiều đô thị tại các tỉnh, thành như: Phú Thọ, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên- Huế, thành phố Hồ Chí Minh... đang cao hơn Hà Nội từ 10- 35%.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.