(HNMO) - Chiều 1-12, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo giải đáp những thắc mắc xung quanh quyết định điều chỉnh giá bán điện tăng 6,08% so với giá hiện hành, áp dụng từ 1-12-2017.
Tác động đến đời sống dân sinh
Theo Bộ Công Thương, việc điều chỉnh giá điện lần này tác động đến các hộ gia đình sử dụng điện sinh hoạt như sau: Mức sử dụng điện 50 kWh sẽ tăng thêm 3.520 đồng; mức sử dụng điện 100 kWh tăng thêm 6.600 đồng; mức sử dụng điện 200 kWh tăng thêm 13.800 đồng; mức sử dụng điện 300 kWh tăng thêm 34.800 đồng và mức sử dụng điện 400kWh tăng thêm 46.200 đồng.
Trả lời các câu hỏi về việc điều chỉnh giá điện có tính tới ảnh hưởng đến người có thu nhập thấp, theo Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Anh Tuấn, thống kê năm 2016 cho thấy, có 5,4 triệu khách hàng tiêu thụ từ 50-100 kWh. Do đó, với mức sống sinh hoạt hiện nay thì những hộ này còn ít. Đặc biệt, Chính phủ tiếp tục hỗ trợ các hộ nghèo, chính sách với mức 50 kWh của bậc thang đầu tiên, theo đó các hộ nghèo sẽ được hỗ trợ 51.000 đồng tiền điện/tháng.
Hiện nay, toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang bán điện trực tiếp cho hơn 25,6 triệu khách hàng trong đó số lượng khách hàng sinh hoạt gần 23,5 triệu tương ứng với số hộ sử dụng điện gần 28,5 triệu hộ gia đình sử dụng điện sinh hoạt (nhiều hộ gia đình sử dụng chung công tơ). Cơ cấu các hộ gia đình mua điện trực tiếp từ EVN có thể thấy các hộ gia đình chủ yếu tiêu thụ hiện ở mức dưới 200 kWh với số lượng hộ gần 22,4 triệu, chiếm tỷ lệ 78,6%, số lượng hộ gia đình sử dụng trên 300 kWh là trên 2,7 triệu hộ, chiếm chưa đến 10%.
...và sản xuất kinh doanh
Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng cũng cho biết, giá điện tăng không chỉ liên quan trực tiếp đến đời sống người dân mà còn tác động đến nhiều doanh nghiệp, nên sẽ gây tăng giá nhiều mặt hàng.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong chi phí sản xuất thép, tiêu thụ điện chiếm khoảng 7% trong cơ cấu thành giá. Mỗi tấn phôi thép cần khoảng từ 400 - 600kWh, việc tăng giá điện sẽ khiến chi phí sản xuất thép tăng thêm, trong khi thị trường thép đang cạnh tranh rất khốc liệt. Mặc dù nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực cải tiến công nghệ sản xuất, đưa vào nhiều công nghệ mới, nhưng mức tiêu thụ điện năng trong ngành thép vẫn được đánh giá là khá cao.
Tuy nhiên, việc tăng giá điện cũng sẽ phần nào loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém, công nghệ lạc hậu, gây hao tốn điện năng. Nếu doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, thì chi phí điện sẽ chỉ khoảng từ 350 - 400 kWh/tấn, nhưng với công nghệ thấp, mức tiêu hao điện năng có thể tới 600 kWh/tấn.
Một doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng dệt may cho biết, chi phí tiền điện chiếm khoảng từ 12-15% trong giá thành sản phẩm của đơn vị. Giá điện tăng chắc chắn chi phí sản xuất tăng, tác động đến giá hàng hóa. Trong trường hợp không thể tăng giá bán sản phẩm, doanh nghiệp phải tính toán để tránh làm vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, nếu để công nhân làm ca đêm để chọn thời gian thấp điểm, giá điện giảm để giảm chi phí tiền điện, lại phải bù tiền cho công nhân làm ca 3.
Việc tăng giá điện chắc chắn ảnh hưởng đến DN do chi phí sản xuất đầu vào tăng. Vì vậy, biện pháp để giảm sản lượng tiêu thụ điện, các doanh nghiệp cũng như người dân cần triệt để tiết kiệm, khuyến khích đầu tư vào năng lượng điện tái tạo như: điện mặt trời, điện gió… đó là động cơ để khuyến khích tự sản xuất điện. Đây là xu thế mà trên thế giới đang áp dụng.
Theo ông Trần Tuệ Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), việc điều chỉnh giá bán điện lần này được thực hiện trên cơ sở kết quả kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 đã được kiểm toán độc lập kiểm toán và kiểm tra bởi Tổ công tác liên Bộ. Việc tăng giá điện lần này có xem xét đến các yếu tố tăng giảm chi phí đầu vào và các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 và chi phí ước thực hiện năm 2017 theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30- 6-2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán điện lẻ bình quân. Theo quy định mới về giá điện thì từng khung giá bán điện cho từng khách hàng như đơn vị sự nghiệp, đơn vị kinh doanh, sinh hoạt… vẫn tương tự như trước đây.
Hiện EVN vẫn còn treo khoảng 9.000 tỷ đồng lỗ do biến động tỷ giá từ nhiều năm trước, đây là một con số rất lớn chưa được phân bổ vào giá thành điện. Theo yêu cầu thì lỗ phải đưa vào biểu giá điện ngay lập tức nhưng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính đưa vào trong từng năm và có lộ trình cụ thể bởi nếu đưa ngay vào giá bán lẻ điện thì gây áp lực rất lớn. Vì vậy, trong những năm trước đây, thực hiện theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ là giãn việc đưa chênh lệch tỷ giá vào giá điện nên lần điều chỉnh giá điện này cũng chỉ mới đưa vào một phần. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.