(HNMO) - Nhiều ý kiến nhân dân cho rằng “Điều 4 Hiến pháp là không thể thay thế”, bởi vì vai trò, vị trí của Đảng Cộng sản Việt Nam là vô cùng quan trọng đối với sự tồn vong của đất nước, dân tộc.
Ngày 28-2, HĐND quận Tây Hồ (Hà Nội) tổ chức hội nghị góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đại diện Hội Luật gia, Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, UB MTTQ quận và các phường, các tổ chức, đoàn thể, một số trí thức, chuyên gia tiêu biểu đã tham dự.
Các ý kiến đều cho thấy sự quan tâm, nghiên cứu nghiêm túc về cả hình thức và nội dung của bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ông Nguyễn Hồng Toán, Chủ tịch Hội Luật gia quận Tây Hồ nhấn mạnh: “Bỏ Điều 4 là phi chính trị, nếu không muốn nói là thoái hóa, biến chất về chính trị, vì như thế là muốn đa nguyên, đa đảng”.
Một số ý kiến đều cho rằng, duy trì Điều 4 là đương nhiên, nhưng cần làm rõ trách nhiệm của đảng viên và tổ chức Đảng trước pháp luật và nhân dân về các quyết định của mình. Có ý kiến đề nghị nên có một đạo luật riêng về Đảng, nhưng cũng có ý kiến cho rằng, không cần thiết vì Đảng đã có Cương lĩnh và Điều lệ rất cụ thể để hoạt động.
* Chiều cùng ngày, HĐND quận Hoàn Kiếm cũng tổ chức hội nghị lấy ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Gần 200 đại biểu nhân dân, các cơ quan, tổ chức trên địa bàn quận đã tham dự.
Tại đây, Luật sư Lê Xuân Quân, Phó chủ tịch Hội Luật gia quận Hoàn Kiếm khẳng định: “Điều 4 Hiến pháp là không thể thay thế”. Nhưng ông đề nghị, Điều 4 nên được viết ngắn gọn hơn. Luật sư Quân cũng đề nghị rà soát toàn bộ ngôn từ, văn phòng của bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để bảo đảm ngôn từ súc tích, dễ hiểu, bớt các từ Hán-Việt.
Một số ý kiến đề nghị nên thay thế Hội đồng Hiến pháp bằng Tòa án Hiến pháp và tăng thêm thời gian lấy ý kiến để nhân dân có điều kiện nghiên cứu, đóng góp nhiều hơn cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.