Theo dõi Báo Hànộimới trên

Diện tích trồng lúa tại Ấn Độ bị thu hẹp: Thách thức mới với nguồn cung lương thực toàn cầu

Thùy Dương| 05/08/2022 06:39

(HNM) - Ngành sản xuất gạo có thể trở thành thách thức tiếp theo đối với nguồn cung lương thực toàn cầu vì tình trạng thiếu mưa ở nhiều vùng của Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, khiến diện tích trồng trọt, trong đó có trồng lúa, bị thu hẹp xuống mức thấp nhất trong khoảng ba năm trở lại đây. Mối đe dọa sản lượng lương thực giảm xảy ra vào thời điểm nhiều nước đang phải vật lộn với chi phí lương thực tăng cao và lạm phát tràn lan trên toàn cầu.

Sản lượng gạo giảm sẽ làm phức tạp thêm cuộc chiến chống lạm phát của Ấn Độ và gây ra các hạn chế đối với xuất khẩu.

Là quốc gia có diện tích lớn, lại nằm ở khu vực chịu nhiều tác động của các hình thái thời tiết cực đoan và đặc biệt là chịu tác động của biến đổi khí hậu, Ấn Độ đang ngày càng phải gánh chịu nhiều hệ quả của vấn đề này. Trong những năm qua, các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên hơn và ở khắp Ấn Độ, không chỉ ảnh hưởng tới sinh mạng của người dân mà còn tác động trực tiếp tới năng suất nông nghiệp.

Theo thống kê, tổng diện tích trồng lúa tại Ấn Độ đã giảm 13% trong mùa này do thiếu lượng mưa ở một số khu vực. Trong hai tuần qua, giá một số loại gạo đã tăng hơn 10% tại các bang trồng lúa quan trọng như: Tây Bengal, Odisha và Chhattisgarh. Ông Mukesh Jain, Giám đốc Công ty Vận chuyển gạo Sponge Enterprises dự báo, giá xuất khẩu gạo có thể tăng lên 400 USD/tấn vào tháng 9 từ mức 365 USD hiện nay. Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính, nhu cầu đối với gạo sẽ đạt kỷ lục mới trên toàn cầu trong năm nay.

Trong khi đó, gạo là cây trồng quan trọng nhất đối với Ấn Độ, nước xuất khẩu lương thực chính lớn nhất thế giới. Ấn Độ cung cấp gạo cho hơn 100 quốc gia. Các thương nhân quan ngại rằng, sản lượng gạo của Ấn Độ giảm sẽ gây ra các hạn chế đối với xuất khẩu. Sản lượng thấp hơn có thể buộc New Delhi hạn chế vận chuyển gạo để bảo đảm cung cấp đủ cho 1,4 tỷ dân của nước này.

Ấn Độ chiếm 40% thương mại gạo toàn cầu. Các nhà phân tích cho rằng, gạo có thể là mục tiêu chính sách bảo hộ lương thực tiếp theo của Ấn Độ - một động thái có thể có tác động nghiêm trọng đến an ninh lương thực toàn cầu vì đây là một mặt hàng chủ lực quan trọng. Trước đó, chính phủ nước này đã hạn chế xuất khẩu lúa mì và đường để bảo vệ an ninh lương thực, kiểm soát giá nội địa. Thực tế, sau khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu lúa mì và đường đã gây ra làn sóng chấn động khắp các thị trường thế giới vì nó đánh dấu sự leo thang trong việc bảo hộ lương thực.

Các chuyên gia đánh giá, gạo cũng có nguy cơ trở thành một thách thức mới đối với cuộc chiến lạm phát của Ấn Độ. Ấn Độ đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu và gỡ bỏ các hạn chế nhập khẩu để kiềm chế lạm phát giá lương thực đang dao động khoảng 7%, cao hơn mức cho phép của ngân hàng trung ương trong tháng thứ sáu liên tiếp. Chính quyền Thủ tướng Narendra Modi đang tìm mọi cách để giải quyết lạm phát, làm chậm tăng giá và giảm bớt tác động đến người tiêu dùng. Lạm phát đang ở mức cao nhất trong 8 năm là một vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị và có thể ảnh hưởng đến quyết định bỏ phiếu của cử tri Ấn Độ trong các cuộc bầu cử sắp tới.

Gạo là loại ngũ cốc chủ yếu giúp giữ cho cuộc khủng hoảng lương thực thế giới không trở nên tồi tệ hơn. Không giống như lúa mì và ngô, vốn đã chứng kiến giá tăng vọt do cuộc xung đột Nga - Ukraine làm gián đoạn nguồn cung, giá gạo vẫn giảm do sản lượng dồi dào và các kho dự trữ hiện có. Tuy nhiên, điều đó có thể thay đổi nếu Ấn Độ quyết định hạn chế xuất khẩu gạo. Bất kỳ biện pháp bảo hộ nào của Ấn Độ sẽ làm tăng giá trên các thị trường toàn cầu đã bị ảnh hưởng bởi lạm phát giá lương thực tăng kỷ lục. Nó có thể thúc đẩy các nước khác làm theo như đã từng xảy ra trong cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Diện tích trồng lúa tại Ấn Độ bị thu hẹp: Thách thức mới với nguồn cung lương thực toàn cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.