(HNM) -
Rất cần khu vui chơi và thời gian giải trí
Nhân Tháng hành động vì trẻ em, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã tổ chức Diễn đàn trẻ em năm 2015 chủ đề: "Lắng nghe trẻ em nói" nhằm thúc đẩy thực hiện quyền được tham gia của trẻ em - một trong bốn nhóm quyền cơ bản theo Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em mà nước ta đã ký cách đây 25 năm. Diễn đàn thu hút sự tham gia của 80 trẻ em đến từ các quận, huyện, thị xã, trường, làng chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn thành phố.
Trẻ em cần được lắng nghe và tôn trọng ý kiến. |
Trong không khí cởi mở, sôi nổi, các em nhỏ tham gia diễn đàn đã mạnh dạn bày tỏ suy nghĩ, quan điểm, ý kiến của mình về nhiều vấn đề, trong đó nổi cộm là tình trạng thiếu khu vui chơi, thời gian vui chơi, giải trí. Em Thùy Linh ở quận Bắc Từ Liêm cho biết: "Hiện chúng cháu đang rất thiếu sân chơi, mỗi kỳ nghỉ hè đến chúng cháu không biết chơi ở đâu. Nhiều bạn đã phải tự vui chơi tại những nơi nguy hiểm như bờ sông, lòng đường hay tìm trò chơi tại các quán internet". Chung quan điểm với Thùy Linh, nhiều em nhỏ đã đặt câu hỏi: "Sân vui chơi của trẻ em đang bị người lớn chiếm dụng, vậy các bác lãnh đạo có giải pháp gì để chúng cháu được vui chơi trên sân của mình?" hoặc "Một số khu dân cư không có sân chơi cho trẻ em. Vậy trẻ em có thể chơi ở đâu?"… Về thời gian vui chơi, giải trí, em Nguyễn Phương Linh đến từ quận Ba Đình bày tỏ: "Chúng cháu ngoài việc học tập ở trường thì phải học thêm rất nhiều; hầu như không có kỳ nghỉ hè bởi bố mẹ luôn lo lắng và kỳ vọng phải có thành tích cao trong học tập". Đồng quan điểm, nhiều em nhỏ tham gia diễn đàn cũng cho rằng, hiện chương trình học tập quá nặng nên hầu như các em không có thời gian để tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí. Vì thế, các em thiếu kỹ năng sống và không được phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.
Ngoài khu vui chơi và thời gian vui chơi, các câu hỏi mà các em nhỏ nêu ra tại diễn đàn đều là những vấn đề bức thiết từ cuộc sống liên quan trực tiếp đến quyền trẻ em như: Xâm hại, lạm dụng tình dục trẻ em; tệ nạn xã hội; bạo lực học đường; tai nạn thương tích, đuối nước; ngược đãi trẻ em… Đề cập đến vấn đề trẻ em bị xâm hại tình dục, em Tạ Thu Mai đến từ huyện Ứng Hòa bày tỏ: "Các bác, các cô, chú lãnh đạo quan tâm nhiều hơn về vấn đề này và sớm có giải pháp để hạn chế tình trạng xâm hại, lạm dụng tình dục trẻ em". Lo lắng về tình trạng bạo lực học đường, em Lê Khải Hoàn, huyện Ứng Hòa mong muốn: "Các cơ quan chức năng cần có giải pháp chấm dứt tình trạng bạo lực học đường để ngôi trường luôn là nơi giáo dục, trẻ em được học tập, vui chơi, được phát triển tài năng một cách tốt nhất".
Lắng nghe và tôn trọng tiếng nói của trẻ em
Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Khuất Văn Thành, hiện việc thực hiện quyền trẻ em ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng còn có nhiều thách thức, đó là tình trạng trẻ em bị xâm hại, bạo hành, tử vong vì tai nạn thương tích vẫn còn cao; quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em chưa thực sự được phát huy; điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em còn thiếu và xuống cấp… "Việc tổ chức diễn đàn để trẻ em nói lên suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng của mình có ý nghĩa rất quan trọng và cần thiết. Những tiếng nói, ý kiến của các em sẽ là cơ sở để các nhà quản lý, hoạch định chính sách xác định rõ hơn những vấn đề cụ thể thuộc phạm vi quản lý của mình, từ đó tham mưu, xây dựng kế hoạch, chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy việc thực hiện các quyền của trẻ em", ông Thành cho biết.
Những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của các em nhỏ nêu ra tại diễn đàn đều được đại diện Sở LĐ-TB&XH và các ban, ngành, đoàn thể, các chuyên gia làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em tiếp thu với thái độ trân trọng, cầu thị. Điều này đã tiếp thêm niềm tin, nghị lực cho các em. Em Nguyễn Thị Hằng cho biết: "Tham gia Diễn đàn "Lắng nghe trẻ em nói" năm 2015, các bác, cô, chú, anh, chị đã giúp em hiểu nhiều điều liên quan đến quyền trẻ em. Đặc biệt, có những hướng dẫn, giải thích thỏa đáng, gỡ được nút thắt để em có niềm tin sống tốt, tránh xa những tiêu cực trong xã hội".
Diễn đàn trẻ em được tổ chức đã tạo cơ hội cho trẻ em đưa ra những yêu cầu chính đáng để bảo vệ quyền lợi căn bản của bản thân; góp phần để các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng thấu hiểu, nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em nhằm xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh và giúp trẻ em phát triển toàn diện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.