(HNMO) - “Nếu nhắc đến du lịch Điện Biên, thường chúng ta nghĩ ngay về sự kiện Chiến thắng lịch sử chấn động địa cầu Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954. Nhưng tiềm năng du lịch của miền đất lịch sử mang đậm sắc màu văn hóa 19 dân tộc ít người miền núi phía Bắc còn phong phú hơn thế rất nhiều với vô vàn
Bà Trần Minh Thư, Trưởng phòng Di sản Sở VH-TT&DL tỉnh Điện Biên |
- Với hệ thống di tích hiện có, Điện Biên xứng đáng là địa bàn trọng điểm về sản phẩm du lịch lịch sử với quần thể chiến trường Điện Biên Phủ, nhưng nhìn vào đó không thôi là chưa đủ. Bên cạnh di tích chiến trường Điện Biên Phủ vô cùng nổi tiếng, bà có thể nêu một vài điếm nhấn đáng chú ý khi nói về các di sản văn hóa mang tiềm năng du lịch rất lớn của tỉnh Điện Biên?
- Tỉnh Điện Biên có cột mốc ngã ba biên giới A Pa Chải – là ngã ba biên giới Việt – Lào - Trung. Những dòng chảy văn hóa tác động làm cho văn hóa Điện Biên mang tính đặc thù của 19 dân tộc anh em rất đặc sắc, cả về vật thể và phi vật thể. Giở lại lịch sử Điện Biên, đã có những cuộc giao tranh rất quyết liệt giữa các bộ tộc, các thế lực từ rất sớm, mà minh chứng đáng kể chính là di tích Thành Sam Mứn (còn có tên là thành Tam Vạn) thế kỷ 11-12 và Thành Bản Phủ thế kỷ 17-18. Đây là 2 thành cổ có cấu trúc kiến tạo giống như thành Cổ Loa, và dấu tích lịch sử của 2 Thành cổ quý giá này càng khẳng định rõ nét tinh thần đoàn kết dân tộc của các thế hệ cha ông chúng ta bao đời.
- Đó thực sự là di sản quý giá để phát triển du lịch lịch sử – văn hóa…
- Điện Biên nằm ở vị trí phên dậu, việc xây thành, bảo vệ độc lập Tổ quốc đã diễn ra biết bao đời trên đất này. Di tích thành Sam Mứn hiện vẫn còn nhiều dấu tích. Năm 2014, chúng tôi đã mời các chuyên gia khai quật khảo cổ học tại đây, tìm được rất nhiều hiện vật giá trị. Với di tích Thành Bản Phủ, ở đây hiện tại vẫn còn hệ thống cây đa, cây si, cây đề mang biểu tượng đoàn kết giữa miền xuôi và miền ngược với ý nghĩa giá trị rất cao. Lễ hội Thành Bản Phủ tổ chức ngày 25-2 âm lịch hằng năm mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc, được đưa vào danh sách di sản phi vật thể cấp quốc gia, thu hút đông đảo khách thập phương.
Hiện chúng tôi vẫn cập nhật thường xuyên tư liệu, sách của người dân tộc còn ghi lại về lịch sử đấu tranh tại vùng đất biên giới. Bên cạnh đó là rất nhiều tài liệu chúng tôi thu được trong quá trình điền dã, nghe người già, các nghệ nhân kể lại…
- Chắc hẳn còn rất nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh khác nữa…
- Ví như văn hóa dân tộc Lào tại Điên Biên, có 2 tháp Chiềng Sơ và Mường Luân - 2 công trình kiến trúc cổ độc đáo được xây dựng bởi 2 dân tộc Việt – Lào. Tháp mang kiểu dáng kiến trúc của dân tộc Lào, nhưng thực chất lại do thợ Việt ở miền xuôi lên đây cùng người Lào xây dựng, để thấy rằng là không có gì bất biến, văn hóa không có biên giới, các yếu tố đoàn kết dân tộc ở miền đất này làm nên sự bền vững của phên dậu Tổ quốc. Rõ ràng qua nghiên cứu khảo sát di chỉ khảo cổ học, tách bóc những cái giá trị của hiện vật, thực tế các yếu tố cấu thành nên di tích đã trả lời cho chúng ta điều đó.
- Nhưng để các di sản văn hóa này thực sự trở thành tài sản phát triển du lịch, vẫn còn rất việc phải làm, thưa bà?
- Khi nhìn nhận một di sản văn hóa, chúng ta không nên tách rời giá trị vật thể và phi vật thể, mà phải có sự đan xen, bổ trợ cho nhau. Nhiệm vụ đưa di sản văn hóa vào phục vụ phát triển du lịch địa phương thực tế chính là nhằm biến di sản thành tài sản tạo ra giá trị, nhưng không được làm mất đi, làm méo mó, biến dạng di sản. Sẽ có rất nhiều việc phải làm, như tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về chiều sâu giá trị di tích để kéo thêm nhiều du khách đến với Điện Biên, dừng chân, ăn, ở, ngủ nghỉ. Bên cạnh đó, phải hướng dẫn để bà con, người dân bản địa tại đây có được một phần thu nhập chính đáng từ các di sản của cộng đồng để giúp họ xóa đói giảm nghèo. Cơ quan quản lý phải có chế độ chính sách, cơ chế, cách làm, hỗ trợ để người dân ý thức được trách nhiệm bảo vệ giữ gìn, chứ di sản không được để là thứ để mua bán.
- Bà có thể nêu vài định hướng, xem chúng ta nên làm gì để biến di sản văn hóa thành sản phẩm du lịch gần gũi mà không đánh mất giá trị?
- Tiềm năng về di sản vật thể, phi vật thể của Điện Biên rất lớn với hệ thống lễ hội, các nghề thủ công, sinh hoạt văn hóa truyền thống diễn ra quanh năm. Chúng ta cần xây dựng niên biểu lịch hoạt động văn hóa di sản đó để hút khách du lịch thường xuyên hơn, thay vì chủ yếu tập trung vào dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ. Mặt khác, phải giới thiệu kỹ nét đặc sắc của các sản phẩm nghề thủ công truyền thống của 19 dân tộc, trong đó có những dân tộc rất ít người như Si La và dân tộc Cống với bản sắc riêng vô cùng độc đáo.
- Bên cạnh đó, cũng phải nghĩ đến việc xây dựng các tour mang tính liên kết với các tỉnh khu vực Tây Bắc để đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thưa bà?
- Chúng tôi sẽ tổ chức Lễ hội đua thuyền đuôi én tại Mường Lay lần 2 vào ngày 1-1-2016, chắc chắn sẽ thu hút không chỉ dân trong địa phương bởi sự độc đáo và đậm sắc màu văn hóa. Sẽ có sự tham gia của cả cư dân ở Quỳnh Nhai lên, Lai Châu sang, Mường Tè xuống, có cả sự tham gia của một số tỉnh thuộc Lào. Sau này, sẽ mời thêm cả Vân Nam –Trung Quốc và Thái Lan tham dự.
Thiên nhiên và lịch sử cũng như văn hóa truyền thống dành cho Điện Biên một sự ưu ái đặc biệt là thị xã Mường Lay nằm bên sông Đà và Nậm La. Địa bàn Mường Lay trước kia nay đã trở thành lòng hồ sông Đà, làm nên tiềm năng du lịch, là điểm nhấn riêng có của Điện Biên so với các tỉnh trong khu vực. Dòng chảy văn hóa từ đầu nguồn sông Đà đến thị xã Mường Lay xuôi về Hà Nội được thể hiện qua lễ hội đua thuyền thực sự sẽ điểm nhấn rất ý nghĩa.
Hướng đến Năm Du lịch quốc gia 2017 ở Tây Bắc, ý tưởng xây dựng tour du lịch tâm linh dọc sông Đà qua các tỉnh Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên – Lai Châu nếu được hiện thực hóa sẽ rất hấp dẫn. Bên cạnh đó, còn phải kể đến lễ hội hoa ban với sự liên kết giữa Điện Biên và Sơn La trong khâu tổ chức, hoặc du lịch cộng đồng gắn văn hóa dân tộc Thái tại bản Phiêng Lơi, văn hóa dân tộc Hà Nhì tại bản Tả Kổ Khừ…
- Cảm ơn bà đã dành thời gian trao đổi./.
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Điện Biên Đoàn Văn Chì: “Du lịch Điện Biên có nhiều vẻ đẹp nguyên sơ có thể khiến du khách ngỡ ngàng”! Ngày 13-12, đoàn công tác tham gia chương trình khảo sát tuyến điểm du lịch khu vực Tây Bắc đã làm việc cùng Sở VH-TT&DL tỉnh Điện Biên. Trao đổi với báo giới, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Điện Biên Đoàn Văn Chì cho biết: Điện Biên là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhưng trên thực tế vẫn chưa đạt được bước chuyển mạnh so với các tỉnh Tây Bắc, một phần do công tác truyền thông còn có điểm hạn chế. “Nhiều hoạt động chúng tôi tổ chức rất có điểm nhấn, như Lễ hội hoa ban mang đặc trưng của tỉnh Điện Biên rất cần được quảng bá đến du khách trong nước và quốc tế” – ông Chì cho biết – “Điện Biên có nhiều vẻ đẹp nguyên sơ có thể khiến du khách ngỡ ngàng”. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.