Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điểm tựa vững chắc cho người lao động nghèo

Thanh Tàu| 01/04/2022 07:25

(HNM) - Thời gian qua, Tổ chức Tài chính vi mô (CEP) đã giúp hàng trăm ngàn công nhân, người lao động tại khu vực phía Nam vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Chương trình tín dụng ưu đãi có ý nghĩa lớn này đã trở thành điểm tựa vững chắc cho công nhân và người lao động nghèo trên địa bàn.

Chủ tịch Hội đồng thành viên CEP Hoàng Văn Thành trao hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn.

CEP là tổ chức phi lợi nhuận do Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh sáng lập từ năm 1991, đến nay đã phục vụ cho 357.636 khách hàng công nhân, lao động nghèo với số tiền 65.000 tỷ đồng, tạo ý thức tiết kiệm trong cộng đồng dân cư nghèo với tổng tiết kiệm khách hàng hơn 1.500 tỷ đồng. CEP đã và đang hoạt động tại 9 tỉnh, thành phố gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre và Vĩnh Long.

Đặc biệt, trong năm 2020 và 2021, trước tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến đời sống công nhân lao động nghèo, CEP đã dành trên 62 tỷ đồng với nhiều sáng kiến phát triển cộng đồng đi vào chiều sâu, hỗ trợ thiết thực cho khách hàng. Ngoài ra, CEP đã liên tục thực hiện các chuỗi chương trình “CEP - Chia sẻ yêu thương” hỗ trợ hơn 40.000 công nhân lao động nghèo có hoàn cảnh khó khăn vượt qua dịch bệnh với các phần quà nhu yếu phẩm, thuốc, dụng cụ y tế…

Gần 14 năm nay vợ chồng chị Nguyễn Thị Lành, ở xã Trung An, huyện Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, gia đình thuộc hộ nghèo, muốn vay vốn cũng khó khăn. "Với sự tư vấn, định hướng của nhân viên CEP và được vay vốn, chồng tôi tập trung việc đồng áng và nuôi bò. Tôi làm công nhân tại một công ty bao bì với mức lương 6-7 triệu đồng/tháng. Hiện gia đình tôi đã có thu nhập ổn định và không còn là hộ nghèo. Tôi cũng đã chia sẻ kinh nghiệm để 10 chị em phụ nữ khác trong xã cũng được vay vốn ưu đãi thoát nghèo từ CEP", chị Nguyễn Thị Lành tâm sự.

Giám đốc Chi nhánh CEP Nhà Bè Nguyễn Vũ Ngân Sơn cho biết, hiện Khu chế xuất Tân Thuận có khoảng 61.000 công nhân đang làm việc tại 156 doanh nghiệp. Nhu cầu vay vốn của công nhân hiện rất cao do cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nhất là sau thời gian dài chống chọi với dịch bệnh. Tính từ năm 2021 đến tháng 3-2022, Chi nhánh CEP Nhà Bè phối hợp với 59 đơn vị, hỗ trợ vay vốn cho 5.500 công nhân. Là một người được vay vốn từ CEP, chị H’Nguyệt Phôk (dân tộc M’Nông), đang làm công nhân Công ty TNHH Kỹ thuật Popopto cho hay: “Hai năm qua, dịch bệnh khiến thu nhập của tôi giảm sút, có những tháng ngưng việc, chỉ được hỗ trợ lương 1 triệu đồng/tháng nên không đủ tiền gửi về cho cha mẹ già. Tôi có tìm hiểu và thấy lãi suất của CEP thấp hơn nhiều so với vay bên ngoài, lại có nhiều chương trình hỗ trợ nên mạnh dạn vay 10 triệu đồng để phụ giúp gia đình. Hiện, tôi đang tập trung làm việc để sớm trả hết khoản nợ ưu đãi này".

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Chủ tịch Hội đồng thành viên CEP Hoàng Văn Thành thông tin, nhằm hỗ trợ và tiếp sức cho công nhân lao động vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, sớm phục hồi các hoạt động, tạo thu nhập, sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi nghề, ổn định cuộc sống. CEP tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi và xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đặc biệt, trong năm 2022, CEP tiếp tục thực hiện Chương trình "CEP chia sẻ yêu thương - Cùng công nhân và người lao động vượt khó do Covid-19” với tổng kinh phí dự kiến trên 14,5 tỷ đồng cho gần 66.000 khách hàng công nhân lao động nghèo và người có thu nhập thấp.

Từ góc độ quản lý nhà nước, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, CEP là tổ chức tài chính vi mô tiên phong đi đầu và lớn nhất trong cả nước, là điểm tựa giảm nghèo tin cậy của người lao động, hạn chế hoạt động tín dụng đen. Hoạt động của CEP trong 31 năm qua là minh chứng sinh động rằng tài chính vi mô là một trong những công cụ hiệu quả giúp cho người lao động nghèo có cơ hội tự tạo việc làm, tăng thu nhập và thoát khỏi nghèo bằng chính sức lao động của họ. Đặc biệt, sự đóng góp tích cực của CEP đã góp phần cải thiện an sinh xã hội cho công nhân, người dân lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điểm tựa vững chắc cho người lao động nghèo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.