(HNMCT) - Trước mỗi lần ra khơi đánh cá hoặc làm việc lớn, ngư dân trên đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam) thường đến lễ Phật tại chùa Hải Tạng để cầu mong bình an, thành công. Với họ, đây là điểm tựa tinh thần quan trọng.
Ngôi chùa thiêng trên biển
Chùa Hải Tạng được xây dựng vào năm Cảnh Hưng 19, tức năm 1758. Đây là công trình kiến trúc tôn giáo đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của ngư dân trên đảo và thủy thủ nước ngoài khi thương thuyền ghé vào Cù Lao Chàm.
“Hải Tạng” trong Phật giáo có ý nghĩa là nơi hội tụ kinh Tam Tạng tại nơi biển cả mênh mông. Chùa Hải Tạng nằm ở địa thế khá đẹp, lưng tựa vào núi, mặt hướng ra một thung lũng nhỏ và nhìn thẳng vào núi Bà Mộc có hình dạng như một hòn xôi án ngữ.
Ấn tượng ban đầu khi đến chùa chính là hàng rào bằng đá xếp lên nhau. Những viên đá được xếp chặt khít mà không cần chất kết dính, cao khoảng 1m. Tương truyền, trước đây khu này rất rậm rạp, nhiều rắn rết, vì vậy dân phải làm hàng rào để ngăn chúng vào chùa. Ngay trước cổng chùa là tượng Bồ Tát Quan Âm cao chừng 3m, màu trắng, tay thiết ấn, khuôn mặt nhân từ, tạo cảm giác yên bình cho du khách đến dâng hương, ngắm cảnh.
Bước qua tam quan là khu chính điện, được xây dựng với quy mô trung bình, lợp ngói âm dương giống như các chùa trong thành phố Hội An. Hoành phi, câu đối trong chùa đều được sơn son thếp vàng uy nghi, tượng thờ thể hiện tư tưởng Tam giáo đồng nguyên khi có cả tượng Phật và tượng thánh thần. Toàn bộ nếp nhà chính có hệ thống vì kèo kết kiểu "chồng rường giả thủ". Ở mái hiên, dép hoành cách điệu thành hình lồng đèn với thân chạm hình hoa lá, đầu là những cánh sen lật, dưới chạm nổi hình đầu rồng.
Theo đại diện Trung tâm Quản lý Di sản văn hóa Hội An, do hiện vật được giữ gần như nguyên trạng, kết cấu, kiến trúc, mỹ thuật... nên chùa Hải Tạng là nơi cung cấp thông tin về nhiều lĩnh vực của đời sống, về khoa học, lịch sử và sự phát triển của cộng đồng dân cư. Chùa còn là điểm tựa tâm linh của ngư dân Cù Lao Chàm. Hầu hết ngư dân trước khi vươn khơi đều tới đây cung kính dâng hương, tạ lễ để cầu bình an.
Điểm du lịch hấp dẫn
Nhờ những giá trị lịch sử, văn hóa còn lưu dấu đậm nét nên chùa Hải Tạng đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn của du khách khi tới Cù Lao Chàm. Chùa không có sư trụ trì, chỉ có một đôi vợ chồng già trên đảo trông coi, vì vậy, đa phần du khách đến đều tự dâng hương, chiêm bái và cầu nguyện. Cũng vì thế không mấy khi ngư dân nghe thấy tiếng tụng kinh gõ mõ nhưng trong chùa lúc nào cũng nghi ngút khói hương, thường xuyên có phật tử và du khách đến lễ bái.
Nhiều du khách trong đất liền đến Cù Lao Chàm với mục đích chính là thăm chùa Hải Tạng cho dù phải vượt quãng đường biển khá xa. Để ra được đảo, du khách phải đi xuồng cao tốc trong khoảng 25 phút. Các chuyến đi đều được Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam quản lý, hỗ trợ. Vào những ngày biển động, gió bão, tất cả các xuồng không được phép xuất bến.
Nếu đi theo tour, trước khi đến chùa Hải Tạng du khách thường đi thăm một số điểm du lịch nổi bật khác. Điểm tham quan đầu tiên là Bảo tàng Sinh vật biển, nơi trưng bày hàng trăm tiêu bản cá và các loài sinh vật biển quý hiếm. Sau đó, du khách sẽ rửa tay bằng nước giếng cổ Chăm pa. Đây là giếng nước khá đặc biệt, vì dù được đào trên hòn đảo nằm ngoài biển nhưng giếng chưa bao giờ bị nhiễm mặn, quanh năm trong mát. Đây được cho là một trong những nơi phát tích của người Chăm pa ở miền Trung. Ngoài ra, du khách còn có thể ghé các điểm du lịch khác, ngắm ngọc trai, tắm biển gần miếu Âm Linh. Các con đường dẫn đến chùa Hải Tạng đều là đường nhỏ, xe cộ không đi vào được. Nếu không hỏi người dân sở tại, du khách sẽ rất khó tìm đường, có thể bị lạc trên đảo.
Chị Trần Thị Thúy Vân, một du khách đến từ Hà Nội cho biết: “Khi tới thăm đảo Cù Lao Chàm, tôi rất ấn tượng với thiên nhiên, con người nơi đây. Tôi đã từng đi thăm nhiều chùa ở Bắc Bộ nhưng đây là lần đầu đến thăm một ngôi chùa ở ngoài đảo, có phong cách kiến trúc khác biệt và không gian rất yên bình, thanh tịnh. Điều làm tôi ấn tượng nhất là mọi ngôi nhà trên đảo đều không có hàng rào, xe không phải khóa... Điều đó cho thấy đây là một mảnh đất an toàn, mọi người tin tưởng nhau”.
Đại diện Trung tâm Quản lý Di sản văn hóa Hội An cho biết, hằng ngày có hàng trăm lượt xuồng du lịch ra thăm đảo Cù Lao Chàm. Hiếm người từ nơi khác lên đảo mà không ghé thăm chùa Hải Tạng. Mặc dù lượng khách khá đông nhưng chính quyền rất quyết liệt trong vấn đề bảo vệ môi trường, có biện pháp “nói không” với túi nilon nhằm giữ gìn hệ sinh thái, cảnh quan. Vì thế, Cù Lao Chàm ngày càng thu hút đông đảo khách du lịch. Ngư dân nơi đây cũng luôn tự hào được sống trên một hòn đảo xinh đẹp, giàu truyền thống văn hóa với không gian linh thiêng, thanh tịnh. Chính những điều đó khiến Cù Lao Chàm có một sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách trong và ngoài nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.