Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điểm tựa của người giúp việc gia đình

Lam Giang| 25/02/2020 07:00

(HNM) - Sự ra đời của các Câu lạc bộ Giúp việc gia đình do Hội Liên hiệp phụ nữ quận Thanh Xuân, Hà Nội tổ chức, không chỉ là điểm tựa, hỗ trợ những người giúp việc gia đình tiếp cận chính sách an sinh xã hội, việc làm, mà còn nâng cao nhận thức và kỹ năng nghề nghiệp. Thông qua hoạt động của các Câu lạc bộ Giúp việc gia đình, cộng đồng cũng từng bước thay đổi nhìn nhận về người giúp việc, coi đó là một nghề như bao nghề khác trong xã hội.

Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Giúp việc gia đình phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân.

Người giúp việc được ký hợp đồng lao động

Năm 2018 là năm đáng nhớ với chị Hồ Thị Lộc (quê ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), hiện đang làm giúp việc cho một gia đình tại phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân. Sau 14 năm làm nghề giúp việc gia đình, lần đầu tiên chị có trong tay bản hợp đồng lao động. Kể từ đây, chị đã được hưởng những quyền lợi chính đáng của người lao động, như: Chế độ nghỉ lễ, Tết, lương, thưởng… cùng những thỏa thuận khác với người thuê chị làm việc. “Hiện, công việc của tôi rất ổn định, nhưng bản hợp đồng này sẽ giúp tôi phòng ngừa rủi ro, chủ động hơn và cũng phải trách nhiệm hơn” - chị Lộc tâm sự.

Cũng như chị Lộc, suốt nhiều năm qua, chị Nguyễn Thị Hằng (ở phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, đang làm giúp việc cho một gia đình ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) chỉ đưa ra những thỏa thuận miệng với gia chủ khi nhận giúp việc nhà. “Mối quan hệ giữa người giúp việc và gia chủ không theo quy định nào. Vì vậy, khi không may xảy ra rủi ro, chúng tôi khó tránh khỏi thiệt thòi” - chị Hằng chia sẻ. Năm 2017, chị Hằng đã có thể yên tâm gắn bó với nghề giúp việc gia đình khi ký vào bản hợp đồng lao động với những điều khoản rõ ràng về quyền lợi, nghĩa vụ của mình.

Chị Lộc và chị Hằng là hai trong số rất nhiều người giúp việc gia đình được ký hợp đồng khi tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ Giúp việc gia đình do Hội Liên hiệp phụ nữ phường Thượng Đình và Hội Liên hiệp phụ nữ phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) tổ chức. Tại đây, các chị đã hiểu được ý nghĩa của hợp đồng lao động và thuyết phục chủ nhà ký hợp đồng cho mình. Bên cạnh đó, tham gia sinh hoạt tại câu lạc bộ, các chị được gặp gỡ những người cùng nghề để sẻ chia buồn vui và được các chuyên gia, những người có kinh nghiệm chỉ dẫn cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống... Chị Nguyễn Thị Hậu, quê ở Phú Thọ, thành viên Câu lạc bộ Giúp việc gia đình phường Thượng Đình cho biết: “Trước đây do thiếu kỹ năng ứng xử nên mỗi lần không hài lòng điều gì với chủ nhà, tôi lập tức nghỉ việc. Nay được học hỏi kinh nghiệm, tôi đã thay đổi cách ứng xử, chia sẻ nhiều hơn để có sự thông cảm. Vì thế giữa tôi và các thành viên trong gia đình chủ nhà cũng vui vẻ, thoải mái hơn”. 

Bảo vệ quyền lợi chính đáng của lao động

Cùng với chị Lộc, chị Hằng, hiện có 176 lao động làm nghề giúp việc gia đình và chủ nhà cùng tham gia Câu lạc bộ Giúp việc gia đình do Hội Liên hiệp phụ nữ các phường: Thanh Xuân Nam, Khương Trung, Nhân Chính, Thượng Đình tổ chức. Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án hỗ trợ lao động giúp việc gia đình tiếp cận chính sách an sinh xã hội, lao động và việc làm do Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng triển khai thực hiện từ năm 2017. 

Bà Lê Thùy Hương, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Thượng Đình cho biết: “Ngày đầu đến những gia đình có thuê người giúp việc để vận động chủ nhà và người giúp việc tham gia câu lạc bộ, chúng tôi gặp không ít khó khăn. Nhiều chủ nhà e ngại người giúp việc xao nhãng việc nhà, song cũng có nhiều người sẵn lòng tham gia. Sau một thời gian bền bỉ tuyên truyền, tổ chức các buổi sinh hoạt với nhiều nội dung vui tươi, hữu ích, chị em giúp việc và các gia chủ được giao lưu, học hỏi, mở mang kiến thức, được chia sẻ tâm tư tình cảm và dần cởi mở, gắn bó hơn. Nhiều người hiểu ý nghĩa hoạt động của câu lạc bộ đã hồ hởi tham gia. Đến nay số thành viên câu lạc bộ đã tăng lên hơn 100 người”. 

Là phường có số thành viên Câu lạc bộ Giúp việc gia đình được ký hợp đồng lao động nhiều nhất quận (19 người), thời gian qua Hội Liên hiệp phụ nữ phường Nhân Chính đã tích cực tuyên truyền, vận động chủ nhà và người giúp việc hiểu được ý nghĩa của hợp đồng lao động. Bà Đoàn Thị Hưng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Nhân Chính cho hay: “Các buổi sinh hoạt của câu lạc bộ luôn gắn với những dịp lễ như ngày 8-3, 20-10…, lồng ghép giữa sinh hoạt văn hóa, văn nghệ với thông tin về bảo hiểm y tế tự nguyện, hợp đồng lao động, rồi những kỹ năng cụ thể phục vụ công việc hay bảo vệ bản thân. Không chỉ các chị em giúp việc cảm thấy vui vẻ, vơi bớt nỗi nhớ nhà, mở mang kiến thức mà ngay cả các thành viên là gia chủ cũng đồng cảm và chia sẻ hơn với người giúp việc”. 

Đánh giá về những kết quả hoạt động của Câu lạc bộ Giúp việc gia đình, ông Phạm Thanh Nam, Chủ tịch UBND phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân khẳng định, Câu lạc bộ Giúp việc gia đình phường Thượng Đình đã thu hút ngày càng nhiều lao động giúp việc gia đình tham gia những hoạt động hữu ích, thiết thực và góp phần giữ gìn trật tự an ninh trên địa bàn. Phường Thượng Đình sẽ phối hợp với các khu dân cư, chung cư tạo điều kiện mọi mặt để thu hút nhiều hơn lao động giúp việc trên địa bàn tham gia các hoạt động của câu lạc bộ... Còn chị Đặng Hồng Quyên (ở tòa nhà R4, chung cư Royal City, quận Thanh Xuân) cho rằng: “Nhiều người đã từng bị chủ nhà nợ tiền lương hoặc không làm đúng thỏa thuận ban đầu. Vì vậy, việc ký hợp đồng lao động, hài hòa lợi ích giữa chủ nhà và người giúp việc là hết sức cần thiết”.

Sau 3 năm thành lập, các Câu lạc bộ Giúp việc gia đình tại 4 phường Thanh Xuân Nam, Khương Trung, Nhân Chính, Thượng Đình của quận Thanh Xuân đã trở thành sân chơi bổ ích của những lao động giúp việc. 35 lao động làm nghề giúp việc đã thuyết phục được chủ nhà ký hợp đồng lao động, đặc biệt Câu lạc bộ Giúp việc gia đình phường Thượng Đình có 100% thành viên đã mua bảo hiểm y tế tự nguyện. Người lao động giúp việc gia đình đã có nhìn nhận đúng đắn về vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của mình, đồng thời nỗ lực cải thiện kỹ năng để làm tốt công việc đã chọn.

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận Thanh Xuân Trịnh Thị Hồng Thủy khẳng định: “Không chỉ giúp những lao động giúp việc gia đình tiếp cận các chính sách an sinh, xã hội và việc làm, nâng cao nhận thức nghề nghiệp, kỹ năng làm việc, hoạt động của các Câu lạc bộ Giúp việc gia đình tại 4 phường của quận Thanh Xuân còn từng bước thay đổi cách nhìn nhận của cộng đồng với giúp việc gia đình, một nghề giống như bao nghề khác. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đổi mới hoạt động để các câu lạc bộ luôn là điểm tựa của những người giúp việc; xây dựng các kế hoạch, chương trình tập huấn, tuyên truyền phù hợp với điều kiện cụ thể của lao động giúp việc, thu hút ngày càng nhiều hội viên tham gia”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điểm tựa của người giúp việc gia đình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.