(HNM) - Năm 2022, bên cạnh tính đồng bộ, trách nhiệm và hiệu quả, công tác xây dựng Đảng của thành phố Hà Nội tạo được điểm nhấn ấn tượng là có nhiều hoạt động đổi mới. Ở mỗi khâu, mỗi lĩnh vực của nhiệm vụ then chốt này, các cấp ủy Đảng đều cố gắng tìm tòi cách làm mới để nâng cao hiệu quả. Năm 2023 hứa hẹn còn nhiều nội dung mới nữa được đưa vào thực hiện.
Tạo không khí tích cực
Trong công tác tư tưởng tuyên giáo, bên cạnh kết quả chung ấn tượng, có nhiều đổi mới như việc tổ chức hội thi trực tuyến kết hợp sân khấu hóa tìm hiểu Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nhờ hội thi, nghị quyết đã nhanh chóng đi vào cuộc sống. Điểm mới nữa là Hà Nội triển khai Đề án thí điểm thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng; ban hành 1 đề án, 1 quy định nhằm nâng cao chất lượng công tác đảng viên. Hà Nội còn đưa vào thực hiện phần mềm “Quản lý hồ sơ cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý”, đặc biệt là phần mềm “Đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hằng tháng”.
Trong khi đó, công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng tiếp tục được tăng cường. Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kết luận 65 tổ chức Đảng và 196 đảng viên có vi phạm, phải thi hành kỷ luật 11 tổ chức Đảng và 153 đảng viên. Điểm mới của công tác này là đã kịp thời công bố thông tin kết quả kiểm tra, giám sát, qua đó góp phần cảnh báo, răn đe mạnh.
Công tác dân vận có nhiều đổi mới về cả nội dung và phương thức hoạt động. Trong năm, toàn thành phố có hơn 9.600 mô hình “Dân vận khéo” được đăng ký thực hiện. Công tác nội chính đã góp phần quan trọng bảo đảm an toàn tuyệt đối gần 2.000 sự kiện diễn ra trên địa bàn. Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay sau khi thành lập đã trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 28 vụ việc, vụ án; chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ xử lý các vụ án do Trung ương ủy quyền, ủy thác cho thành phố.
Đánh giá về kết quả công tác xây dựng Đảng của thành phố năm 2022, Bí thư Quận ủy Ba Đình Hoàng Minh Dũng Tiến cho rằng, dù mới mẻ, nhưng đến nay việc đánh giá cán bộ hằng tháng bằng phần mềm đã đi vào nền nếp. Còn việc tổ chức thi tuyển các chức danh đã tạo không khí rất tốt trong đội ngũ cán bộ, công chức.
Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Trần Đình Cảnh nhìn nhận, các quy định của Ban Thường vụ Thành ủy về công tác luân chuyển cán bộ giúp cho việc thực hiện ở địa phương thuận lợi hơn. Đến nay, Thạch Thất đã luân chuyển đến phó chủ tịch cấp xã.
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ
Năm 2023, song song với yêu cầu tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, đối với từng lĩnh vực trong công tác xây dựng Đảng, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội đều có những lưu ý về nhiệm vụ cụ thể trên tinh thần đổi mới mạnh mẽ. Trong đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cấp ủy Đảng toàn thành phố phải rà soát kỹ những hạn chế, tồn tại, tập trung xây dựng giải pháp khắc phục triệt để thời gian tới.
Thành ủy chỉ đạo, trong công tác tư tưởng, tuyên giáo, cần nâng cao chất lượng công tác dự báo và giải quyết các vấn đề truyền thông, đấu tranh chống quan điểm sai trái, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; chủ động xây dựng Chiến lược công tác tuyên giáo đến năm 2030, tầm nhìn 2045; chú trọng chuẩn bị tổng kết 40 năm công tác tuyên giáo thời kỳ đổi mới...
Công tác tổ chức, cán bộ cần tập trung củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy xã, phường, thị trấn và chi bộ thôn, tổ dân phố; hoàn thành tốt công tác bổ sung quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2025-2030, 2026-2031 và nhiệm kỳ tiếp theo; triển khai công tác lấy phiếu tín nhiệm theo quy định; đưa vào vận hành phần mềm “Điều hành, tác nghiệp quản lý đảng viên” và phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử”.
Trong công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các cấp ủy Đảng và các cơ quan liên quan cần chủ động nắm chắc tình hình, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của các cơ quan tư pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nhất là đối với các vụ án tham nhũng, án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng, các vụ án hình sự phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Công tác dân vận được yêu cầu tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động gắn với tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra công tác dân vận của các cơ quan nhà nước; rà soát, điều chỉnh, bổ sung và triển khai có hiệu quả chương trình phối hợp giữa ban dân vận các cấp với chính quyền đồng cấp, các ban, ngành, lực lượng vũ trang; phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.