(HNMO) - Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt, Tổng thống Putin thăm Việt Nam... nằm trong số các sự kiện chính trị - đối ngoại nổi bật năm 2013.
Sau khi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến nhân dân, đã có hơn 26 triệu lượt ý kiến góp ý của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, hơn 28.000 hội nghị, hội thảo, tọa đàm được tổ chức. Từ sự đồng thuận của nhân dân, ngày 28/11, 486/488 đại biểu Quốc hội có mặt đã biểu quyết tán thành, thông qua toàn văn Hiến pháp (sửa đổi). Sau đó, Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp (sửa đổi) cũng được Quốc hội thông qua với tỉ lệ tán thành tuyệt đối.
97,59% đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Hiến pháp sửa đổi - Ảnh: V.Dũng (TTO) |
Hiến pháp năm 2013 gồm 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992), kế thừa nhiều nội dung của Hiến pháp năm 1992, thể hiện được tinh thần đổi mới, thể hiện được ý Đảng, lòng dân. Hiến pháp mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2014.
Trung ương ban hành nhiều quyết sách quan trọng
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 và 8 (khóa 11) đã thông qua các nghị quyết về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược; Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục; Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị lần thứ 8: Các quyết sách Trung ương đề ra lần này đều rất hệ trọng, có tầm ảnh hưởng to lớn đối với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chấn hưng giáo dục, đào tạo, xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm sự trường tồn của đất nước ta, chế độ ta.
Tại Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã thảo luận và thống nhất quyết định thành lập 5 Tiểu ban chuẩn bị Đại hội XII của Đảng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần
Chiều 4/10, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, “Người anh cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam, qua đời tại Viện quân y 108, thọ 103tuổi.
Hàng vạn người dân tiễn đưa Đại tướng. |
Tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với hai cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và thực dân Pháp của dân tộc. Đặc biệt là chiến thắng Điện Biên Phủ, ghi một trang vàng chói lọi trong lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam. Sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khiến hàng triệu trái tim người dân Việt Nam thổn thức. Đồng bào cả nước và bè bạn quốc tế đã thể hiện sự tôn kính và tiếc thương vô hạn trong Lễ quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới khi linh cữu Đại tướng được đưa về quê hương Quảng Bình. Dân tộc Việt Nam, hôm nay và mãi mãi sau này không bao giờ quên ông.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso |
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc từ ngày 19 đến 21/6 đạt được bốn kết quả nổi bật, trong đó có việc lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, xử lý thỏa đáng bất đồng, nhất là trong vấn đề trên biển..., Tiếp đó, từ ngày 24 đến 26/7 Chủ tịch nước đã thăm Hợp chủng quốc Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Barack Obama. Chuyến thăm đã xác lập quan hệ đối tác toàn diện mở ra cơ hội hợp tác mới giữa hai nước.
Từ ngày 24 đến 26/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Cộng hòa Pháp. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng Pháp Jean - Marc Ayrault đã ký Tuyên bố chung nâng quan hệ Việt-Pháp lên Đối tác Chiến lược, đúng dịp hai nước kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt, bổ sung nhân sự cấp cao
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, ngày 10/6, lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội Việt Nam có cuộc lấy phiếu tín nhiệm trước khi thực thi việc bỏ phiếu tín nhiệm 47 chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu ra hoặc phê chuẩn. Tất cả 47 vị được bỏ phiếu đều có tỷ lệ phiếu tín nhiệm (tín nhiệm cao và tín nhiệm) chiếm quá bán.
Lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt. |
Năm 2013 cũng ghi dấu ấn khi có hàng loạt nhân sự mới được bổ sung vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ. Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã bầu bổ sung 2 thành viên vào Bộ Chính trị là ông Nguyễn Thiện Nhân và bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Hội nghị cũng bầu bổ sung 1 thành viên Ban Bí thư là ông Nguyễn Quốc Vượng. Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng được bầu làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ đầu tháng 9/2013. Trong khi đó, kỳ họp Quốc hội tháng 11 vừa qua cũng bầu 2 nhân sự mới làm Phó Thủ tướng là ông Vũ Đức Đam và ông Phạm Bình Minh.
Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ
Lần đầu tiên Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc với số phiếu cao nhất trong số các ứng cử viên.
Một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. |
Sự kiện này thể hiện sự chủ động, tích cực tham gia nhiều cơ chế hợp tác quan trọng của khu vực và toàn cầu; thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với nhiều nước, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Việt Nam
Ngày 12/11, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin cùng đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước Liên bang Nga đã thăm cấp nhà nước tới Việt Nam. Hai bên đã ký một loạt văn kiện hợp tác quan trọng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có Hiệp định liên Chính phủ về đào tạo công dân Việt Nam tại Liên bang Nga, Hiệp định liên Chính phủ về chuyển giao người bị kết án tù, Hiệp định liên Chính phủ về hợp tác quốc phòng và nhiều thỏa thuận cấp bộ, ngành và các hợp đồng kinh tế khác. Hai bên đã ra Tuyên bố chung về tiếp tục tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Việt Nam. Ảnh: Giang Huy (Báo Lao động) |
Năm 2013, Việt Nam cũng đón nhiều lãnh đạo các nước lớn tới thăm Việt Nam như chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Campuchia Hun Sen...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.