(HNM) - Trong khi hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn cầu giảm; dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) gây ra khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng..., thì việc thu hút FDI với nước ta vẫn có nhiều tín hiệu khả quan.
Trong tháng 1-2020, thu hút FDI đạt 5,33 tỷ USD, tăng 179,5% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý là ở thời điểm này, một số tập đoàn lớn của Mỹ, Nhật Bản đang cân nhắc đổ vốn vào Việt Nam... Những minh chứng đó cho thấy, nước ta đang là điểm đến đầu tư tin cậy, hiệu quả trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Là địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước liên tiếp trong hai năm 2018 và 2019, đến nay, Hà Nội tiếp tục là điểm đến được lựa chọn của nhiều tập đoàn kinh tế. Sức hấp dẫn này bắt nguồn từ việc thành phố cải thiện môi trường đầu tư một cách thực chất; chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đồng hành và tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư... Cùng với đó là những lợi thế riêng của Hà Nội như: Có vị trí đầu mối giao thông thuận tiện, chất lượng nguồn nhân lực, tiềm năng đất đai...
Xét tổng thể, dù đứng trước những biến động mạnh của kinh tế toàn cầu, nền kinh tế nước ta vẫn vững đà đi lên. Đáng kể hơn là ở thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia thì Việt Nam là một điểm sáng, thành công trong công tác phòng chống, kiểm soát dịch... Nhìn nhận thấu đáo những mặt tích cực này nên nhà đầu tư nước ngoài đã, đang đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh. Song, không vì thế mà chủ quan, thỏa mãn với kết quả đạt được. Hoạt động thu hút FDI vẫn cần siết chặt để đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo vệ môi trường; nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế...
Thực hiện mục tiêu này, trước mắt, các địa phương, doanh nghiệp cần tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)..., để thu hút nhà đầu tư. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có những tác động trên toàn cầu, các bộ, ngành, địa phương càng phải chứng minh với nhà đầu tư về sự đồng hành, sát cánh cùng họ trong khó khăn bằng việc đưa ra những chính sách điều chỉnh kịp thời về thuế, đất đai, lao động... Cùng với đó, việc cải thiện môi trường đầu tư phải tiếp tục được thúc đẩy toàn diện, tạo thêm cơ hội lựa chọn dự án chất lượng tốt.
Để hoạt động thu hút FDI phát triển theo chiều sâu, mỗi tỉnh, thành phố cần không ngừng hoàn thiện về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển từng ngành, lĩnh vực, trên cơ sở khai thác tốt lợi thế, đặc thù địa phương. Đặc biệt, phải xây dựng các quy định khắc phục cho được tình trạng “vốn mỏng”, chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”, góp phần vào sự phát triển bền vững...
Các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm tạo cơ chế ưu đãi thỏa đáng để tăng liên kết giữa nhà đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước nhằm tận dụng tốt các thế mạnh của nhau, cùng phát triển. Trong đó có việc kết nối, giúp doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, tiến tới làm chủ công nghệ và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu... Đồng thời xây dựng chính sách hợp lý để khuyến khích doanh nghiệp FDI đào tạo, nâng cao kỹ năng, trình độ cho lao động trong nước.
Việc tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư tin cậy, hiệu quả của các cấp, ngành, địa phương trong bối cảnh hiện nay chính là hoạt động thực hiện nghiêm quan điểm của Chính phủ: Không vì dịch bệnh mà ngưng trệ sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, góp phần giúp Việt Nam ngày càng hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.