Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điểm bán hàng lưu động: Phục vụ nhu cầu của người dân và bảo đảm phòng, chống dịch

Lâm Hà - Chi Hiệp| 06/08/2021 15:17

(HNMO) - Để bảo đảm phục vụ nhu cầu của người dân về lương thực, thực phẩm trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 17/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nhiều quận đã sáng tạo triển khai các điểm bán hàng lưu động. Các điểm bán hàng lưu động có bảng giá niêm yết cụ thể để người dân dễ dàng tham khảo, an tâm mua sắm, góp phần giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng khi hạn chế tập trung đông người tại các chợ cũng như siêu thị.

Một điểm bán hàng lưu động trên địa bàn quận Hoàng Mai.

Mua sắm thuận tiện, giá phải chăng

Chỉ vài ngày sau khi thành phố thực hiện giãn cách, UBND các quận khu vực nội thành Hà Nội đã khẩn trương triển khai các điểm bán hàng lưu động; đồng thời chỉ đạo các phường thông báo để người dân trên địa bàn đến mua sắm các mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt hằng ngày.

Tại quận Cầu Giấy, ngay sau khi chợ Đồng Xa tạm dừng hoạt động do phát hiện ca dương tính với SARS-CoV-2, UBND phường Mai Dịch bố trí 2 điểm chợ lưu động để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, đặt tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường Mai Dịch và sân thể thao B5. Chủ tịch UBND phường Mai Dịch Phạm Văn Lợi cho biết, tại 2 điểm chợ này lực lượng chức năng bố trí các gian hàng cung cấp các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm tươi sống và thực phẩm khô với giá bằng giá bán tại siêu thị.

Người dân mua hàng phải bảo đảm khoảng cách để phòng, chống dịch Covid-19.

Trực tiếp trải nghiệm điểm bán hàng lưu động tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy), bà Nguyễn Thị Hiền ở phố Trần Bình cho biết, giá bán của các sản phẩm tại đây tương đương với giá tại các siêu thị. Dù lượng hàng hóa không phong phú bằng ở chợ song người mua cũng có nhiều sự lựa chọn. "Các quầy hàng được sắp xếp thông thoáng, lối mua hàng một chiều. Trong bối cảnh nhiều chợ chính tạm thời đóng cửa, việc bán hàng lưu động là rất phù hợp", bà Hiền nói.

Còn tại quận Hai Bà Trưng, UBND quận đã chỉ đạo Phòng Kinh tế quận, UBND phường Trương Định, Ban Quản lý chợ Đồng Tâm cùng các đơn vị liên quan tổ chức điểm bán hàng lưu động tại tầng 1 nhà A, chợ Đồng Tâm mới. Trong khi đó, tại phường Bạch Mai, UBND phường cũng tổ chức 2 điểm bán hàng lưu động ở số 307 phố Bạch Mai và số 36 phố Hồng Mai.

Chủ tịch UBND phường Bạch Mai Nguyễn Thùy Dương cho biết: "Điểm bán hàng có nhiều hàng hóa thiết yếu như gạo, rau xanh, thịt gia súc, gia cầm, hàng khô... với sự bảo đảm nguồn cung ứng từ hệ thống siêu thị BRG và hỗ trợ bán trứng cho một số cơ sở sản xuất tại huyện Thanh Oai. Hàng hóa được niêm yết giá công khai, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bình ổn giá, thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch Covid-19".

Các mặt hàng thiết yếu tại được bán với giá phải chăng tại điểm bán hàng lưu động trên địa bàn quận Hai Bà Trưng.

Một điểm bán hàng thiết yếu phục vụ người dân trên địa bàn phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng.

Còn tại điểm bán hàng lưu động tại tầng 1 nhà A, chợ Đồng Tâm mới chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hằng ngày của người dân các phường Minh Khai, Đồng Tâm, Bách Khoa, Bạch Mai, Cầu Dền và giảm tải cho các chợ đang hoạt động trên địa bàn như chợ: Bách Khoa, Hôm - Đức Viên. Thời gian bán hàng lưu động trong khoảng 15 ngày, với sự tham gia của Công ty cổ phần Sản xuất và thương mại An Việt, Công ty TNHH Thực phẩm Phú Thiên Tân, Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce.

Tính đến ngày 6-8, quận Hoàng Mai đã tổ chức được 4 điểm bán hàng lưu động tại các phường Trần Phú, Thịnh Liệt, Giáp Bát, Đại Kim. Trưởng phòng Kinh tế quận Hoàng Mai Lê Thị Thu Hương cho biết, bên cạnh đó, bà con có thể đặt mua trực tuyến qua nhóm Zalo của khu dân cư, tổ dân phố rồi cử đại diện đi mua giúp. Với cách tổ chức này, dù chợ đầu mối phía Nam (Tổng công ty Thương mại Hà Nội) chưa hoạt động trở lại và sau khi một số cửa hàng Vinmart+ đóng cửa do có liên quan đến ca F0, trên địa bàn quận Hoàng Mai chưa hề có tình trạng khan hiếm hàng hóa, không có việc nâng giá.

Trực tiếp mua sắm tại điểm bán hàng lưu động trên, bà Nguyễn Bích Phương (phường Thịnh Liệt) cho biết: “Mấy cửa hàng Vinmart+ ở gần nhà tôi đã đóng cửa nên việc mở điểm bán hàng lưu động này rất thuận tiện cho người dân trong khu vực. Đặc biệt là hàng hóa tươi mới, giá cả được công khai, mức giá tương đương như trong siêu thị nên tôi thấy yên tâm để lựa chọn theo nhu cầu của mình”.

Còn tại quận Long Biên, Chủ tịch UBND quận Nguyễn Mạnh Hà cho biết, quận đã triển khai 4 điểm bán hàng lưu động trên địa bàn với sự hỗ trợ của Trung tâm Thương mại Aeon Mall. Cụ thể, quận bố trí 1 điểm bán hàng tại phường Đức Giang để giảm tải cho chợ Diêm Gỗ, 1 điểm tại phường Thượng Thanh để giảm tải cho chợ tổ 29; 1 điểm tại tổ 33 Ngọc Thụy để giảm tải cho chợ Ngọc Thụy và 1 điểm tại phường Gia Thụy để giảm tải cho chợ Gia Lâm.

Thông tin về chương trình này, ông Đàm Mạnh Tuấn, Giám đốc siêu thị Aeon Mall Long Biên cho biết: "Hằng ngày, chúng tôi bố trí khoảng 8 tấn hàng hóa thiết yếu phân phối tại 4 điểm trên địa bàn quận Long Biên với giá cả được niêm yết giống với giá tại siêu thị. Thời gian phục vụ người dân từ 8h đến 11h trong suốt thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội".

Siêu thị Aeon Mall phối hợp cùng UBND quận Long Biên tổ chức điểm bán hàng lưu động hỗ trợ người dân trong thời gian giãn cách xã hội.

Thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch

Theo Chủ tịch UBND phường Mai Dịch Phạm Văn Lợi, người bán tại các gian hàng ngoài việc có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, còn phải tuân thủ nghiêm quy định phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể, UBND phường bố trí lực lượng kiểm tra, tổ chức đo thân nhiệt, yêu cầu người dân khai báo y tế trước khi vào chợ theo quy định.

Còn Trưởng phòng Kinh tế quận Hoàng Mai Lê Thị Thu Hương cho biết, các điểm bán hàng lưu động được lập tại khu rộng rãi, thoáng mát, có chăng dây để phân luồng, bảo đảm giãn cách. Các gian hàng đều được lắp vách ngăn trong suốt, tránh tiếp xúc trực tiếp giữa người bán và người mua. Khách mua hàng cũng phải thực hiện khai báo y tế và tuân thủ các quy định phòng, chống dịch Covid-19.

"Qua nắm bắt tình hình cho thấy, người dân rất đồng tình ủng hộ các điểm bán hàng lưu động nên quận đang tiếp tục triển khai thêm nhiều điểm tại các phường trên địa bàn quận”, bà Lê Thị Thu Hương thông tin thêm.

Trong buổi kiểm tra thực tế mới đây, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung cho biết: "Các điểm bán hàng này đã thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch Covid-19, phân làn, phân luồng cho người dân mua hàng, đảm bảo khoảng cách giữa người bán và người mua... Chúng tôi cũng chỉ đạo các điểm bán hàng lưu động tiếp tục thực hiện tốt việc cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm phong phú phục vụ người dân, đặc biệt là bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19".

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Điểm bán hàng lưu động: Phục vụ nhu cầu của người dân và bảo đảm phòng, chống dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.