(HNM) - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa đưa ra cảnh báo tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) đang diễn ra tại nhiều quốc gia, đặc biệt đang có nguy cơ bùng phát mạnh tại khu vực Châu Âu. Ở nước ta, riêng tháng 2 đã có 3.600 ca nhiễm, chủ yếu tập trung tại khu vực phía Nam.
Một trẻ 7 tuổi ở TP Hồ Chí Minh nhập viện vì bị sốt xuất huyết. |
Hiện tại, cả nước có 38 tỉnh, thành phố có bệnh nhân mắc SXH. Nguy hiểm hơn, 3 bệnh nhân tại tỉnh Đồng Tháp, Đồng Nai và Long An đã tử vong vì căn bệnh này. TP Hồ Chí Minh, địa bàn giáp ranh với Đồng Nai, Long An nên đang trong tình trạng cảnh báo SXH. Trong buổi họp giao ban mới đây, Trung tâm Y tế dự phòng cho biết, năm nay dịch SXH tại TP Hồ Chí Minh bùng phát sớm hơn thông lệ. Hiện nay, tại các bệnh viện: Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Nhiệt Đới ghi nhận hơn 20 bệnh nhân tại TP Hồ Chí Minh mắc SXH mỗi tuần, trong khi thời điểm này năm 2014 bệnh viện chỉ ghi nhận được vài trường hợp mắc bệnh. Tính đến nay, TP Hồ Chí Minh có tới 19 phường, xã phát hiện bệnh nhân mắc SXH.
Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, trong số 19 phường, xã ghi nhận SXH thì số bệnh nhân tập trung đông ở 8 quận, huyện, trong đó có quận Bình Tân, Bình Chánh, Gò Vấp, Bình Thạnh… Điều đáng nói là 8 quận, huyện này chiếm tới 50% dân cư của toàn thành phố, đồng thời cũng chiếm tới 50% số dịch bệnh bùng phát mỗi năm.
Ông Nguyễn Chí Dũng khẳng định, nguyên nhân dịch bệnh bùng phát do đặc điểm dân cư đông, điều kiện môi trường ô nhiễm dẫn đến khó khăn trong công tác phòng và dập dịch. Đây là điều nguy hiểm, vì số ca mắc bệnh SXH ở TP Hồ Chí Minh hiện đang gia tăng mỗi năm, trong khi cho đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Mặt khác, đây là thời điểm giao mùa, thời tiết thuận lợi cho vi khuẩn và côn trùng phát triển. Riêng tại TP Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều quận, huyện là điểm đen của ô nhiễm môi trường, ùn tắc kênh nước do xây dựng công trình giao thông. Những tiền đề này tạo điều kiện cho muỗi trú ẩn, từ đó gia tăng nguy cơ bùng phát SXH sớm.
Để ngăn chặn dịch SXH và một số dịch bệnh lây lan, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã đề xuất với Sở Y tế thành phố cho thành lập tổ chuyên gia gồm: Chuyên gia y tế dự phòng cấp cao tại thành phố và nhóm chuyên gia y tế dự phòng tại các quận, huyện. Theo đó, nhóm chuyên gia sẽ cùng xây dựng kế hoạch chung, xây dựng một chương trình khung về phòng chống, ngăn ngừa dịch bệnh tại 8 quận, huyện có nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao nhất. Nếu mô hình thí điểm này thu được hiệu quả, sẽ tiến tới nhân rộng ra 16 quận, huyện còn lại.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Hưng, tình trạng 8 quận, huyện tại TP Hồ Chí Minh để xảy ra dịch bệnh kéo dài hằng năm, trong đó nổi cộm là dịch SXH mà không thể dập tắt dịch bệnh gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người dân sinh sống tại TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, đề xuất lập tổ chuyên gia nêu trên mang tính đột phá, có trọng tâm, trọng điểm trên địa bàn thành phố. Bên cạnh việc chờ kế hoạch chi tiết để phê duyệt lập tổ chuyên gia, ông Nguyễn Hữu Hưng cũng yêu cầu tất cả lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng quận, huyện đẩy mạnh công tác truyền thông, cảnh báo người dân về tình hình SXH, sởi đang có nguy cơ bùng phát trên địa bàn thành phố để người dân chủ động kết hợp cùng ngành y tế dập dịch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.