(HNMO) - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, từ đầu năm tới nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 315 trường hợp mắc bệnh sởi, chưa có tử vong, số ca mắc tăng hơn so với cùng kỳ năm 2017.
Tại giao ban, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, từ đầu năm tới nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 315 trường hợp mắc bệnh sởi, chưa có ca tử vong, số ca mắc tăng hơn so với cùng kỳ năm 2017. Bệnh nhân phân bố rải rác tại 183 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã. Tuy nhiên, theo Sở Y tế Hà Nội, các trường hợp mắc rải rác và không tập trung thành ổ dịch.
Theo nhận định của các chuyên gia, dịch sởi có thể tiếp tục gia tăng trong các tháng cuối năm. Nguyên nhân do Hà Nội nằm trong bối cảnh chung về tình hình dịch sởi trên thế giới và tại Việt Nam. Năm 2018, 2019, bắt đầu bước vào chu kỳ 4 năm bệnh quay trở lại (dịch sởi bùng phát năm 2014). Chu kỳ này do tỷ lệ tiêm chủng sởi đầy đủ của Hà Nội chỉ đạt từ 95-97%; bên cạnh đó người ngoại tỉnh đến Hà Nội sinh sống, học tập, làm việc chưa được tiêm chủng… tạo thành khối cảm thụ không có miễn dịch, thuận lợi cho khối vi rút sởi lây lan và gây dịch.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh báo cáo tại giao ban |
Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo người dân cần tiêm phòng đầy đủ sẽ phòng được bệnh sởi. Do vậy, các bậc phụ huynh cần cho con đi tiêm chủng đầy đủ vắc xin theo quy định…
Đối với bệnh sốt xuất huyết, Hà Nội ghi nhận 384 ca mắc, chưa ghi nhận ca tử vong; số ca mắc giảm 98% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, sốt xuất huyết là bệnh lưu hành thường xuyên; nguy cơ để bệnh sốt xuất huyết phát sinh, phát triển thành dịch luôn tồn tại bởi tình trạng ô nhiễm môi trường, mật độ dân cư cao… Theo nhận định, bệnh sốt xuất huyết có thể gia tăng vào khoảng tháng 9 đến tháng 11.
Ngoài ra, đối với các dịch bệnh khác, Hà Nội ghi nhận: 1 trường hợp mắc bệnh thương hàn, 2 trường hợp mắc viêm não mô cầu, 3 trường hợp mắc bệnh dại, 8 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản, 11 trường hợp mắc liên cầu lợn, 1.222 trường hợp mắc bệnh chân tay miệng…
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Trần Xuân Hà cho biết, Hà Nội luôn quan tâm đặc biệt đến công tác phòng chống dịch bệnh. Thành phố đã đầu tư đầy đủ điều kiện phương tiện kỹ thuật để phòng chống dịch bệnh; ngành Y tế đã tổ chức mạng lưới phòng chống dịch bệnh xuống từng xã, phường; công tác phòng chống dịch bệnh đã có sự vào cuộc từ các quận, huyện, thị xã và sự chung sức của người dân…
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội mong muốn các cơ quan báo chí của trung ương và Hà Nội tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng chống dịch bệnh; đưa thông tin chính xác, kịp thời, cảnh báo những nơi có nguy cơ dịch bệnh cao để người dân cảnh giác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.