Hơn 30 nghìn con lợn mắc bệnh, đã tiêu hủy 13 nghìn con * Xuất hiện dịch tại huyện Gia Lâm (Hà Nội) (HNM) - Chiều ngày 26-4, Bộ NN&PTNT đã họp khẩn với các đơn vị liên quan bàn biện pháp đối phó với dịch lợn tai xanh đang có diễn biến phức tạp ở một số địa phương trên cả nước.
* Hơn 30 nghìn con lợn mắc bệnh, đã tiêu hủy 13 nghìn con
* Xuất hiện dịch tại huyện Gia Lâm (Hà Nội)
(HNM) - Chiều ngày 26-4, Bộ NN&PTNT đã họp khẩn với các đơn vị liên quan bàn biện pháp đối phó với dịch lợn tai xanh đang có diễn biến phức tạp ở một số địa phương trên cả nước. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần lo lắng: Dịch lợn tai xanh thể độc lực cao đang lây lan nhanh, tình hình hết sức nguy cấp.
Tiêu hủy lợn bị bệnh tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Ảnh: An Đăng - TTXVN |
Vẫn chủ quan
Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, kể từ khi phát hiện dịch lợn tai xanh bùng phát tại tỉnh Hải Dương đến chiều qua (26-4) tổng cộng đã có 8 tỉnh, thành phố có dịch (gồm Hải Dương, Thái Nguyên, Thái Bình, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Nam và Hà Nội) với hơn 30 nghìn con lợn mắc bệnh; số lượng đã tiêu hủy khoảng 13 nghìn con. Ngoài ra, tại tỉnh Nam Định hiện đã xuất hiện biểu hiện dịch trên đàn lợn, dự tính chỉ 1 đến 2 ngày tới là thông báo xuất hiện dịch. Hai địa phương có ổ dịch mới nhất là Hà Nội và Quảng Nam. Theo Cục Thú y, từ ngày 13 đến 19-4, dịch xuất hiện tại các xã Kim Sơn, Trung Màu, Dương Quang, Lệ Chi và Phú Thị của huyện Gia Lâm (Hà Nội) làm 370 con lợn mắc bệnh và 320 con lợn bị tiêu hủy. Trong khi đó, tại Quảng Nam, địa phương cách ly hẳn với "tâm dịch" Đồng bằng sông Hồng, nhưng từ ngày 21-4-2010 tại xã Bình Đào, huyện Thăng Bình có hiện tượng lợn ốm, chết và lây lan nhanh với triệu chứng điển hình của bệnh tai xanh. Đến ngày 24-4, đã có 25 con lợn (gồm 17 lợn nái và 8 lợn con) nuôi tại 14 hộ thuộc 4 thôn của xã Bình Đào mắc bệnh.
Đáng lo ngại là trong khi các ổ dịch vẫn không ngừng gia tăng và lây lan nhanh thì tại một số nơi người dân và chính quyền địa phương còn thờ ơ với công tác phòng chống, có nơi còn lén lút tiêu thụ lợn bị bệnh. Theo Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần, dịch đã xuất hiện từ trung tuần tháng 3 đến nay nhưng việc ngăn chặn, xử lý các ổ dịch là quá chậm.
Giải thích về việc để dịch bùng phát trên diện rộng và chỉ trong thời gian ngắn, việc ngăn chặn gần như bất lực, ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng Cục Thú y thừa nhận, chính quyền nhiều địa phương đã chủ quan, lơ là dẫn đến người dân hoang mang, lo lắng, không đủ thông tin về dịch. "Nhiều cán bộ huyện, xã không nắm rõ cơ chế, chính sách hỗ trợ dịch lợn tai xanh, thậm chí không biết dịch này có được Nhà nước hỗ trợ hay không hoặc cho rằng gia đình nào không tiêm phòng thì không được hỗ trợ; rồi giá lợn không nắm được..." - ông Năm nói.
Kiểm tra các phương tiện và phun thuốc phòng, trừ dịch bệnh tại Chốt kiểm dịch động vật Cầu Xe, xã Quang Trung, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Trần Tiến Duẩn - TTXVN |
Khẩn cấp chặn và dập dịch
Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ thành lập 3 đoàn công tác cùng các địa phương chỉ đạo việc ngăn chặn và dập dịch trên tinh thần phát hiện ổ dịch nhanh, tập trung xử lý triệt để, nếu không người dân thấy tiếc của, bán chạy thì dịch càng có điều kiện lây lan rộng. Ông Diệp Kỉnh Tần cũng chỉ đạo Cục Thú y thành lập ngay các chốt kiểm dịch ở các tuyến quốc lộ chính để ngăn chặn việc vận chuyển lợn từ chỗ có dịch đi nơi khác. Đặc biệt, phải khoanh vùng không cho dịch lây lan vào các tỉnh miền Trung và miền Nam. Một vấn đề khác là cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân giữa các địa phương phải cơ bản giống nhau để tránh tình trạng chuyển lợn dịch từ nơi này sang nơi khác để được hỗ trợ cao hơn. Theo ông Hoàng Văn Năm: "Vấn đề hỗ trợ phải tính toán hợp lý dựa trên quy định chung của Nhà nước. Theo kinh nghiệm, nếu cao quá (hơn giá thị trường - PV) người dân sẽ tiêu hủy, còn thấp quá họ lại bán chui, bán lủi, rất nguy hại". Ngoài ra, về câu hỏi liệu lượng vaccin có đáp ứng đủ nhu cầu trước nguy cơ dịch lây lan, ông Hoàng Văn Năm khẳng định, vaccin tiêm phòng dịch lợn tai xanh đều nhập khẩu từ nhiều nước khác nhau, về kết quả tiêm phòng bước đầu cho thấy loại vaccin này bảo hộ được 100% khả năng không nhiễm bệnh nếu đàn lợn ở trạng thái hoàn toàn khỏe mạnh. Nhưng các nhà sản xuất vaccin khuyến cáo nếu đàn lợn đã mắc hoặc ở thể lực kém mới tiêm vaccin thì hiệu quả sẽ rất kém. Các nước phát triển vẫn có dịch bệnh này nhưng khâu chăn nuôi như vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng, nguồn thức ăn bảo đảm, thời tiết phù hợp, bảo vệ đàn giống tốt, nên tỉ lệ chết thấp...
Dấu hiệu nhận biết lợn bị bệnh tai xanh Dịch lợn tai xanh ở lợn hay còn gọi là hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn. Bệnh có đặc trưng là hiện tượng sẩy thai ở lợn nái và bệnh về đường hô hấp ở lợn con cai sữa. Lợn khi mắc bệnh này tai thường chuyển sang màu xanh. Bệnh do một loại virus gây ra. Lợn chết thường là do nhiễm trùng kế phát các tác nhân bệnh khác như dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn, liên cầu khuẩn, suyễn heo... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.