Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đích là nâng cao chất lượng sống cho người dân

Việt Nga| 14/02/2018 06:42

(HNM) - Khái niệm thành phố thông minh (smart city) đã không còn xa lạ với nhiều người. Là smart city sẽ không thể thiếu các yếu tố phát triển bền vững và sáng tạo khi ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông...


Vì mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống


Một thành phố hay một đô thị dù văn minh, hiện đại đến đâu thì mục tiêu tiên quyết vẫn phải là cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Do đó, khái niệm về smart city cần phải kết hợp các khía cạnh liên quan đến quản trị, cơ sở hạ tầng, nhân lực...

Triển khai dịch vụ iParking trên phố Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Tuấn Bùi


Trên thế giới hiện có bộ tiêu chuẩn ISO dành cho smart city với 18 chỉ số thuộc 6 lĩnh vực: Người dân thông minh, kinh tế thông minh, môi trường sống thông minh, chính quyền số thông minh, đời sống thông minh và giao thông, liên lạc thông minh. Về cơ bản, một smart city sẽ có 8 thành phần chính cần được ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, gồm: Chính quyền điện tử; môi trường, nguồn nước, năng lượng; giao thông; quy hoạch và quản lý cơ sở hạ tầng; giáo dục; y tế và an sinh xã hội; an ninh xã hội; phát triển văn hóa du lịch.

Tại Hà Nội, ngoài siêu dự án xây dựng smart city trị giá 4 tỷ USD ở huyện Đông Anh do Liên danh Sumitomo - BRG thực hiện từ đầu năm 2018, đến nay thành phố chưa công bố triển khai smart city. Song, những năm qua Hà Nội đã, đang đẩy mạnh đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng chính quyền điện tử và tiếp theo là smart city. Đó là bước đi thận trọng, chắc chắn, vì Hà Nội là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của cả nước, tập trung đông dân, nên việc thực hiện phải đồng bộ và chỉ thực hiện khi bảo đảm phục vụ người dân hiệu quả nhất.

Dù chưa công bố triển khai, vận hành smart city, song đến nay Hà Nội là địa phương có tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công giao dịch qua mạng đạt cao nhất cả nước, với ước tính hàng trăm nghìn hồ sơ mỗi năm. Để có kết quả này, từ đầu năm 2016, Hà Nội đã thí điểm cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trong lĩnh vực tư pháp tại hai quận Long Biên và Nam Từ Liêm; sau đó nhân rộng ra các xã, phường khác trên địa bàn thành phố. Từ năm 2017, Hà Nội tiếp tục triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trong các lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên ngành đến cấp huyện, xã. Đến nay, thành phố có 457 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.

Những công nghệ thông minh thiết thực

Đáng chú ý, tại hội nghị "Hà Nội - Hợp tác và đầu tư 2017" (tổ chức tháng 6-2017), UBND thành phố đã ký hợp tác với Tập đoàn FPT xây dựng giao thông thông minh. Như vậy, Hà Nội đã chọn cách bắt đầu một smart city bằng xây dựng giao thông thông minh. Có nghĩa là chọn ứng dụng công nghệ để giải quyết những bài toán khó trong lĩnh vực giao thông.

Theo ông Phạm Minh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Hệ thống thông tin FPT - đơn vị trực tiếp triển khai giao thông thông minh cho Hà Nội, thì để triển khai giao thông thông minh, phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và một trong những giải pháp là phải giảm nhu cầu đi lại của người dân. Đó là thành phố phải đưa ra cơ chế để đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công, để người dân đỡ phải đi lại mất thời gian. Đó là việc có dịch vụ đưa đón học sinh an toàn để giảm nguy cơ ùn tắc giờ cao điểm; hoặc xây dựng phương án điều hành taxi thông minh bằng cách xây dựng những điểm đón, báo tín hiệu khi có nhu cầu, tránh để xe chạy lòng vòng gây tắc đường... Trước đó, Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên thí điểm dịch vụ iParking (thu phí đỗ xe qua thiết bị smartphone), đang triển khai tại các quận trung tâm.

Gần đây nhất, Hà Nội phối hợp với MobiFone, Viettel thí điểm lắp đặt thiết bị thông minh thay thế loa truyền thanh phường tại 4 phường thuộc 3 quận: Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm theo hình thức xã hội hóa. Trong đó, MobiFone lắp đặt thiết bị mGateway ở hai phường Yên Hòa (Cầu Giấy) và Thành Công (Ba Đình), Viettel lắp đặt thiết bị tại hai phường Kim Mã (Ba Đình) và Tràng Tiền (Hoàn Kiếm). Các thiết bị thông minh này ngoài việc giữ vai trò thông tin tuyên truyền chung vào các khung giờ cố định, còn có chức năng chống trộm (mGateway của MobiFone), đặc biệt có phần mềm để đăng ký dịch vụ công trực tuyến, nộp tiền điện, nước, cước điện thoại... Hầu hết người dân đều hài lòng khi sử dụng thiết bị thông minh này, chỉ cần vào mục dịch vụ công trực tuyến là có thể tìm được các dịch vụ mức độ 3 và 4 mà thành phố đang cung cấp.

Ông Nguyễn Đình Tuấn, thành viên Hội đồng thành viên MobiFone cho biết, khi Hà Nội có chủ trương, MobiFone đã tham gia từ đầu, coi đây là việc góp phần xây dựng smart city cho thành phố. MobiFone đã đầu tư nghiên cứu, thiết kế thiết bị phù hợp, bảo đảm các tính năng cần thiết để phục vụ người dân, nhất là bảo đảm an toàn thông tin; đồng thời, xây dựng phần mềm tích hợp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, để người dân chỉ cần “bấm nút” là chọn được các dịch vụ mong muốn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đích là nâng cao chất lượng sống cho người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.