Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đích đến của đổi mới thi cử

Long Biên| 02/07/2016 06:25

(HNM) - Thông tin từ các điểm thi, hội đồng thi cho thấy: Ngày đầu tiên (1-7) của kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2016 diễn ra an toàn, nghiêm túc, không có phát sinh lớn… Áp lực từ kỳ thi đối với xã hội đã giảm rõ rệt và đây là một trong những mục tiêu mà kỳ thi này hướng tới.


Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, dư luận đánh giá công tác tổ chức thi góp phần tiết kiệm cho xã hội nhưng công tác xét tuyển để lại nhiều lình xình dù đã được dự báo trước. Đó là chuyện xem điểm thi qua 10 “cửa” độc quyền (2 website của Bộ GD-ĐT cùng 8 trường được Bộ ủy quyền) và điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh như “chơi chứng khoán” dẫn đến không ít chuyện dở khóc, dở cười.

Nhắc lại câu chuyện này để khẳng định hai “hạt sạn” lớn nhất của kỳ thi năm 2015 đã được loại bỏ (về mặt chủ trương) nhằm tạo thuận lợi hơn cho thí sinh. Đó là Bộ GD-ĐT xóa bỏ độc quyền công bố điểm thi và thí sinh chỉ được cấp một Giấy chứng nhận kết quả thi với mã số xác định duy nhất. Song những quy định mới trong quy chế tuyển sinh THPT quốc gia năm 2016 vẫn khiến nhiều người băn khoăn. Đó là: Quy định đăng ký xét tuyển ở mỗi trường ĐH chỉ được tối đa 2 ngành thay vì tới 4 ngành như quy định năm 2015 buộc thí sinh phải cẩn trọng trong việc lựa chọn ngành học, không thể đăng ký theo kiểu “cứ ngành nào trúng tuyển là được” bất chấp sở thích, sở trường và nhu cầu tuyển dụng lao động trên thị trường. Hay dù xóa bỏ độc quyền công bố điểm thi nhưng nếu Sở GD-ĐT địa phương - đơn vị chủ trì cụm thi - được công bố kết quả thi thì vẫn có thể xảy ra tình trạng tắc nghẽn mạng internet vì sẽ có hàng chục nghìn thí sinh ở cụm thi địa phương muốn xem điểm thi cùng một thời điểm. Thêm nữa là mối lo ngại về việc các trường có đủ năng lực về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ cho công tác xét tuyển.

Lo ngại nêu trên là hoàn toàn có cơ sở khi năm 2015, nhiều trường rơi vào tình trạng “trở tay không kịp” khi thí sinh rút - nộp hồ sơ quá nhiều một cách đột ngột, đặc biệt là vào ngày cuối cùng của đợt xét tuyển nên có thể dẫn đến tình trạng “vỡ trận” khiến thí sinh và người nhà hoang mang. Năm nay, thí sinh được phép thay đổi nguyện vọng 3 trường ở các đợt sau. Mỗi trường, thí sinh được phép thay đổi 2 ngành học khác nhau, nên rất có thể lặp lại tình trạng rút - nộp hồ sơ một cách ồ ạt như năm 2015 khiến các trường ĐH xử lý không kịp, còn thí sinh thì... “tiến thoái lưỡng nan".

Chủ trương tổ chức kỳ thi quốc gia chung vừa phù hợp với sự chuyển biến của nền GD-ĐT, vừa thể hiện mong muốn chính đáng của học sinh, của phụ huynh và xã hội. Tuy nhiên để kỳ thi đạt được mục tiêu nghiêm túc, khách quan, công bằng, bảo đảm độ tin cậy của kết quả thi; bảo đảm tính liên tục của lộ trình đổi mới thi; không gây xáo trộn lớn đối với giáo viên và học sinh theo tinh thần Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành GD và ĐT còn cần phải đổi mới triệt để hơn nữa. Trong tương lai, cần mạnh dạn giao việc đánh giá tốt nghiệp THPT cho ngành GD và ĐT địa phương và tuyển sinh ĐH, CĐ cho các cơ sở đào tạo.

Tuy nhiên, ở thời điểm này, điều cần quan tâm là trong những ngày thi tới, Ban chỉ đạo địa phương và chủ tịch hội đồng thi phải phát huy tinh thần làm việc cao độ, đúng quy chế, tạo điều kiện cho phụ huynh đưa con em đi thi một cách thuận lợi nhất. Đồng thời, dẫu Bộ GD và ĐT đã có nhiều giải pháp - tính nghiêm minh của công tác coi thi, yếu tố quyết định đến độ tin cậy của kết quả thi, nhất là trong điều kiện thí sinh ở đâu thi ở đó - vẫn là điều mà dư luận đang trông chờ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đích đến của đổi mới thi cử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.