Theo dõi Báo Hànộimới trên

Địa chí Thăng Long Hà Nội trong thư tịch Hán Nôm (NXB Thế giới - 2007)

ANHTHU| 19/05/2007 10:31

(HNM) - Tại Viện Nghiên cứu Hán-Nôm, Thư viện Quốc gia và Viện Sử học còn lưu giữ  42 cuốn sách địa chí. Ở mỗi cuốn, dù là quốc chí hay phương chí các tác giả đều dành một phần nói về Thăng Long-Hà Nội.

(HNM) - Tại Viện Nghiên cứu Hán-Nôm, Thư viện Quốc gia và Viện Sử học còn lưu giữ42 cuốn sách địa chí. Ở mỗi cuốn, dù là quốc chí hay phương chí các tác giả đều dành một phần nói về Thăng Long-Hà Nội.

Nhằm khai thác nguồn tư liệu vô cùng quý giá này, nhóm 7 cán bộ nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu Hán Nômtrong ba năm (2002-2004) đã dịch 42 tài liệu và trích toàn bộ phần nói về Thăng Long-Hà Nội ở 14 tài liệu để in thành sách.

Sách do Nguyễn Thúy Nga và Nguyễn Văn Nguyên chủ biên, 1.170 trang (15x23 cm) giới thiệu Hà Nội địa dư, Hà Nội địa bạ, Hà Nội sơn xuyên phong vực, Thăng Long cổ tích khảo tịnh hội đồ... Sách còn in địa chí của một huyện như Hoàn Long huyện chí, địa chí của một xã như Đông Ngạc xã chí. Tại phần Phụ lục sách in nguyên bản chữ Hán Hà Nội địa dư, Hà Nội địa bạ và trích in Đại Nam nhất thống chí, Đồng Khánh địa dư chí.

Sách Địa chí Thăng Long Hà Nội trong thư tịch Hán Nôm có nhiều tư liệu về đất đai, cuộc sống, con người, sản vật giúp ta hình dung được diện mạo đời sống muôn mặt của cảnh và người Hà Nội ngày xưa.

Trong số 14 tác phẩm tuyển chọn có 5 tài liệu kê được địa danh đến phường xã thôn của thế kỷ XIX.

Sách Thăng Long cổ tích khảo là tài liệu duy nhất cung cấp cho chúng ta tên và vị trí của 17 trong 21 cửa ô, tên một số phường thành Thăng Long đời Lê, tên phố của thành Hà Nội cuối thời Nguyễn. Đặc biệt là tên Nôm của các phố phường và nghề nghiệp của dân sinh sống ở đó. Ví dụ phường Diên Hưng tục gọi Hàng Ngang, người Đường và người Việt ở xen lẫn, bán thuốc men và tạp hóa.

Năm 1888 Hà Nội trở thành nhượng địa, thực dân Pháp xây dựng mới và quy hoạch thành phố theo kiểu phương Tây, sách Nam quốc địa dư chí lược và Nam quốc địa dư ghi được khi đó thành phố Hà Nội chia thành 8 hộ (Hà thành bát hộ), mặt phố chia làm 4 hạng gồm 55 phố. Sách Hà Nội địa dư giúp ta tìm hiểu việc người Hà Nội xưa đặt tên phố. Có nơi đặt theo tên điện như Huy văn, Giảng Võ; có nơi đặt theo tên cổng thành như Trường An, Bảo Khánh; có nơi đặt theo tên đàn như Xã Tắc, Phong Vân; có nơi đặt theo cơ quan nhà nước như Khâm Thiên, Công Bộ; có nơi lại đặt theo tên đơn vị quân đội như Thị Vật, Tiền Tiệp... Sách Bắc Thành địa dư chí lục, Đại Việt địa dư toàn biên, Đại Nam nhất thống chí, Thăng Long cổ tích khảo... có những thông tin quý về Hoàng thành mà không một loại thư tịch nào có được. Đặc biệt sách Thăng Long cổ tích khảo, tài liệu duy nhất cho chúng ta biết vị trí của phủ chúa Trịnh ở phía đông nam thành một dặm, phố Cẩm Chỉ huyện Thọ Xương là cửa trước phủ, phố Hoành Đình ở phường Phục Cổ là cửa sau phủ.

Sách giới thiệu Hoàn Long huyện chí viết riêng về huyện Vĩnh Thuận của tỉnh Hà Nội thời Nguyễn. Sách do Hoàng Đặng Quýnh, tri huyện Bất Bạt soạn năm 1899. Sau khi giới thiệu các di tích, ông giới thiệu Kỹ nghệ của huyện như nghề chăn tằm ở 4 làng thuộc phường Quảng Bố; nghề dệt vải the của dân Yên Hòa, Yên Thái, Trích Sài; nghề làm giấy ở Yên Hòa, Yên Thái, Hồ Khẩu; nghề xẻ gỗ ở làng Tứ Châu; nghề chẻ củi, nghề lấy dáy tai ở làng Thịnh Quang và Kim Liên.

Sách Đông ngạc xã chí viết về xã Đông Ngạc (tục gọi làng Vẽ) huyện Từ Liêm. Sách có nhiều tư liệu liên quan đến làng bao gồm địa lý, di tích đền, miếu, đình, chùa , bến đò, quán chợ, phong tục, tên xóm ấp, địa giới, nghề nghiệp, khoa hoạn, các sự tích, bốn họ lớn trong làng, các truyền thuyết về thần, thánh, tiên, Phật. Ngoài ra sách còn chép số thuế đinh, thuế điền của xã một số năm dưới triều Nguyễn, một bài ký về miễn đắp con đê mới.

Ưu điểm của tập sách là toàn bộ bản dịch được thể hiện bằng văn phong thống nhất. Câu chữ ngắn gọn,hàm súc đã lột tả được ý tứ của người xưa. Những câu mở đầu phần Phong tục trong sách Hà Nội địa dư của Dương Bá Cung soạn năm 1852 viết về vẻ đẹp người Hà Nội chẳng khác gì những câu thơ: Đàn ông ưa chuộng lễ nghĩa; đàn bà chăm chỉ vá may. Thủ công tay nghề tinh xảo; nghề nông vườn ruộng cần cù. Lớp trí thức phần nhiều ghét chuyện tranh giành; hạng dốt nát cũng biết liêm sỉ mà không phạm tội. Bạn bè tặng nhau những lời tao nhã; chốn hương thôn chung sống giữ lễ phép nhún nhường.

Cuốn sách thực sự là tài liệu quý giá đối với việc nghiên cứu Thăng Long- Hà Nội về nhiều phương diện (lời Nguyễn Thúy Nga in ở đầu sách).

Trần Văn Mỹ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Địa chí Thăng Long Hà Nội trong thư tịch Hán Nôm (NXB Thế giới - 2007)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.