(HNMO) - Nuốt phải dị vật nhựa dẻo mềm từ đầu bút bi, bé trai 6 tuổi bị ho kéo dài. Khi kiểm tra bằng chụp CT tại bệnh viện Nhi đồng 1, thì bác sĩ mới phát hiện ra dị vật bỏ quên nằm ở phế quản đã 3 tháng.
Bệnh nhân là bé trai Lê Thành Tâm (sinh 2009), tại Bảo Bình, Cẩm Mỹ, Đồng Nai. Trong khi chơi đùa tại sân trường, cháu Tâm vô tình nuốt đầu bút bi, bị sặc và khó thở. Sau đó, gia đình đưa bệnh nhân đi khám tại một cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nhưng không phát hiện ra dị vật. Sau khoảng 3 tháng, cháu Tâm vẫn có tình trạng ho kéo dài, kèm theo khó thở, gia đình đã đưa cháu lên Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh để kiểm tra.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Như- Phó khoa Tai – Mũi – Họng, bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: Cháu Lê Thành Tâm nhập viện Nhi đồng 1 vào ngày 6-1 trong tình trạng ho, khó thở nhẹ. Chúng tôi đã tiến hành khám, chụp X – Quang sau đó chụp CT mới phát hiện dị vật nằm ở đường ống trong lòng phế quản thùy dưới, bên phải.
Dị vật đầu nhựa mềm bút bi được bác sĩ lấy ra. |
Đây là trường hợp bé bị hóc dị vật bỏ quên đường thở, dẫn đến viêm phổi, khó thở và ho kéo dài. Sau 3 ngày, cháu Lê Thành Tâm được các bác sĩ đã tiến hành soi đường thở, gắp dị vật ra khỏi cơ thể. Hiện nay tình trạng cháu ổn định, giảm ho, không đau ngực và ăn uống bình thường.
Cháu Lê Thành Tâm bình phục sau khi được gắp dị vật nằm trong phế quản. |
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Như cảnh báo: Hóc dị vật đường thở ở trẻ em đã trở thành tình trạng phổ biến và gây nguy hiểm. Cách đây 1 tuần vào đúng dịp tết dương lịch, bệnh viện Nhi đồng 1 có tiếp nhận cấp cứu cho 1 bệnh nhi bị hóc hạt chôm chôm.
Mặc dù được sơ cứu ở bệnh viện địa phương trước đó, nhưng khi chuyển cấp cứu tại Nhi đồng 1, bé đã không qua khỏi. Nguyên nhân là do hạt nhãn, chôm chôm có đường kính to, khi lọt vào đường thở sẽ bít tắc đường thở. Phụ huynh không biết cách sơ cứu để đẩy dị vật ra ngoài khiến trẻ tử vong nhanh nhất.
Bình quân, mỗi năm vào mùa tết bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận cấp cứu bình quân 5-10 trường hợp hóc dị vật đường thở, chủ yếu hạt bí, hạt mứt, hạt hướng dương. Các bác sĩ cho biết, có trường hợp đơn giản có thể cứu sống trẻ, nhưng cũng nhiều trường hợp trẻ đã tử vong vì đến bệnh viện quá trễ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.