Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dẻo thơm bánh tẻ Phú Nhi

Sơn Tùng| 20/08/2017 08:12

(HNM) - Ai đã đến thành Sơn mà chưa thăm thành cổ rêu phong, chưa một lần nếm bánh tẻ Phú Nhi thì chưa hiểu thị xã Sơn Tây quyến rũ đến nhường nào.

Bánh tẻ Phú Nhi được đông đảo du khách ưu chuộng bởi hương vị riêng độc đáo.


Bánh tẻ là thứ bánh làm từ gạo tẻ và một số gia vị, rất phổ biến ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Mỗi địa phương có bí quyết làm bánh với những vị riêng nhưng bánh tẻ Phú Nhi (phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây) luôn "ghi điểm" với thực khách bởi vị thanh của vỏ bánh, đậm đà thơm ngọt của nhân bên trong...

Bánh tẻ Phú Nhi rất ngon và lành, bởi nguyên liệu đơn giản từ sản phẩm nông nghiệp: Gạo tẻ thơm, dẻo làm vỏ bánh; nhân bánh là thịt lợn, mộc nhĩ, hành khô... Tuy nhiên, để có được những chiếc bánh thơm ngon, đòi hỏi kinh nghiệm, sự khéo léo trong các công đoạn làm bánh mà quan trọng nhất là ráo bột. Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Bình (tổ dân phố 2 Phú Thịnh) - một trong những hộ làm bánh ngon có tiếng thì “ráo bột” rất công phu và mất nhiều thời gian. Sau khi xay phải ngâm bột vào nước khoảng 3-4 ngày nếu vào mùa hè và 4-5 ngày vào mùa đông, quan trọng nhất là ngày nào cũng phải đảo bột và thay nước. Khi đã ngâm nước đủ thời gian, bột được gạn sạch, đun lên cho đặc lại, bảo đảm có độ dính như keo.

Khâu đun cũng phải chú ý quấy đều sao cho bột mềm, mịn, không vón cục, không khê..., tiếp đó là làm nhân. Nhân bánh tẻ không cầu kỳ như nhiều loại bánh khác nhưng nguyên liệu phải tươi ngon: Thịt ba chỉ, hành khô bóc vỏ đều băm nhỏ, mộc nhĩ ngâm nước cho nở rồi thái chỉ. Khi gói, dùng lá dong hoặc lá chuối. Nếu như xưa, thưởng thức bánh tẻ Phú Nhi chỉ cần một chút mắm cốt rắc hạt tiêu hoặc chanh ớt để chấm là đủ ngon thì nay, ngoài nước chấm truyền thống nêm chút dầu cà cuống, nhiều thực khách còn thêm tương ớt hoặc dùng kèm món chả gà... để tôn thêm hương vị.

Nhận rõ giá trị bánh tẻ Phú Nhi, từ nhiều năm nay, thị xã Sơn Tây và các cấp, các ngành chức năng đã có sự quan tâm, hỗ trợ phát triển sản phẩm này. Năm 2007, làng nghề bánh tẻ Phú Nhi đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) công nhận là Làng nghề truyền thống. Năm 2010, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đã cấp nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm. Hiện, phường Phú Thịnh có khoảng 50 hộ dân làm bánh tẻ, tập trung ở 4 tổ dân phố Phú Nhi 1, 2, 3 và Hồng Hậu. Trong đó có 30 hộ làm nghề đã đăng ký cơ sở sản xuất bánh tẻ truyền thống với cơ quan chức năng.

Chia sẻ về làng nghề, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thịnh Đặng Thành Nam cho biết, nghề làm bánh tẻ đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với thu nhập từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Tuy vậy, như các nghề khác, bánh tẻ Phú Nhi cũng trải qua nhiều thời điểm thăng - trầm, thậm chí, có lúc tưởng chừng mai một... Nhưng, đến nay, bánh tẻ Phú Nhi đã dần chinh phục người tiêu dùng, nhất là du khách gần xa, bởi vậy, người làng nghề có thể ổn định từ nghề truyền thống.

Hơn nữa, mới đây, được sự hỗ trợ của Phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây, chiếc tem nhãn của làng nghề Phú Nhi đã được xây dựng với logo in hình cổng làng cổ kính và hai bông lúa vàng (nguyên liệu chính của bánh tẻ) thì cơ hội để bánh tẻ Phú Nhi vươn xa không còn xa nữa...

Vấn đề hiện nay là, cùng với việc xây dựng thương hiệu, địa phương cần chú trọng tập huấn cho các hộ làm nghề về an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm chất lượng, đủ sức cạnh tranh trong xu thế thương mại hóa.

"Người làng nghề đang xây dựng hình ảnh sản phẩm bánh tẻ gắn với du lịch xứ Đoài, Thành cổ Sơn Tây... Ngoài xem tận mắt, thưởng thức bánh tại chỗ, nếu muốn, khách có thể tham gia một vài công đoạn làm bánh truyền thống" - Chia sẻ của ông Nguyễn Văn Hùng - chủ cơ sở bánh tẻ Vân Hùng (tổ dân phố 2 Phú Thịnh) đã nói giúp chúng tôi về hướng đi và mong mỏi phát triển với làng nghề khi chia tay Phú Nhi.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dẻo thơm bánh tẻ Phú Nhi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.