Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đến với “Thánh địa của những người làm sách trên toàn thế giới”

Hạ Yến| 19/04/2023 22:17

(HNMO) - Với nhiều người mê sách, Hội chợ sách quốc tế Frankfurt là cái tên được biết đến nhiều trong những năm gần đây. Nhân dịp Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, Omega Plus đã xuất bản cuốn “Lịch sử Hội sách Frankfurt” với mong muốn mang đến cho độc giả Việt Nam những thông tin về một hội sách lớn trên thế giới, lịch sử ngành in ấn, hay nhìn rộng hơn là sự phát triển văn minh xã hội.

Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam xuất bản cuốn sách viết về lịch sử Hội sách Frankfurt (Đức) - Hội chợ sách quốc tế quy mô lớn nhất và quan trọng bậc nhất thế giới được tổ chức từ năm 1949 đến nay. Cuốn sách không chỉ ghi lại lịch sử 600 năm của Hội sách Frankfurt, mà còn khái quát lịch sử của ngành xuất bản, in ấn và phát hành thế giới kể từ nửa cuối thế kỷ XV đến nay, đồng thời, ít nhiều cũng cho thấy những biến động lớn về kinh tế, chính trị của nước Đức, của châu Âu cũng như toàn thế giới trong giai đoạn này.

Cuốn sách “Lịch sử Hội sách Frankfurt” đã tái hiện các giai đoạn thăng trầm của Hội sách Frankfurt với 25 chương được chia thành 3 phần chính. Giai đoạn 1 (1454-1764) là Hội sách Frankfurt thuở sơ khai khi mới bắt đầu có công nghệ in Gutenberg. Cuốn sách đã mang đến cho độc giả những tư liệu hình ảnh sinh động về hội sách lúc bấy giờ, các đầu sách được quan tâm thời kỳ đó, cũng như các hoạt động buôn bán, vận chuyển sách diễn ra thế nào... Giai đoạn 2 (1764-1861) là khi Hội sách ở Leipzig phát triển thay thế cho Hội sách Frankfurt. Và giai đoạn 3 (từ thế kỷ XX) với hàng loạt những nỗ lực nhằm khôi phục Hội sách Frankfurt.

Qua mỗi chương sách, độc giả như được sống lại không khí từ buổi bắt đầu văn minh in ấn phương Tây và choáng ngợp với sự phát triển trong thời hoàng kim của in ấn: “Vào thời điểm đó, với giá của một cuốn Kinh Thánh, bạn có thể mua được 2 con bê, 6 con cừu, 15 con ngỗng, 220 con cá trích, 1.200 viên gạch nung hoặc 1.300 quả trứng. Số tiền ngang với tiền công cả năm của một hầu gái".

Hội sách Frankfurt từng cứ thế phát triển, nhưng những biến động tôn giáo, chính trị đã dẫn tới việc kiểm duyệt và tịch thu sách khiến cho hội sách dần thoái trào. Đầu thế kỷ XX, hội sách mới dần khôi phục và sau thế chiến II, hội sách ngày càng đạt được nhiều thành công với sự tham gia của rất nhiều đơn vị, quốc gia. Các hoạt động trong hội sách được tổ chức với nhiều chủ đề mới mẻ, được tổ chức định kỳ đã thu hút sự quan tâm của độc giả nhiều nước trên thế giới.

Ông Nguyễn Nguyên, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, khẳng định: “Nhìn vào bức tranh lịch sử của Hội sách Frankfurt - điểm hội tụ, giao lưu của nhiều “bộ óc” làm nên thời đại, người ta có thể lý giải vì sao châu Âu đã và đang là một phần quan trọng của trung tâm tri thức thế giới”. Cuốn sách “Lịch sử Hội sách Frankfurt” đã đưa “thánh địa của những người làm sách trên toàn thế giới” đến gần hơn với độc giả Việt Nam.

Tác giả của cuốn sách “Lịch sử Hội sách Frankfurt” là Peter Weidhaas - nguyên Giám đốc Hội sách Frankfurt từ năm 1975 cho tới khi nghỉ hưu năm 2000. Ông là người đã góp phần thúc đẩy các hoạt động quảng bá văn học châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh, và tổ chức nhiều sự kiện xuất bản mang tính đổi mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đến với “Thánh địa của những người làm sách trên toàn thế giới”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.